TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)
Đối tượng và phạm vi áp dụng cần được mở rộng tối đa khi có sử dụng vốn của nhà nước.
Góp ý với vai trò là nguyên Trưởng ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Ninh Viết Định đánh giá, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã cơ bản kế thừa nội dung quy định của luật Đấu thầu 61/2013/QH13, với đặc điểm là luật khung, quy định chung về quy trình và thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, mang đậm tính khoa học ứng dụng và là luật tiên tiến đã tiếp thu, thừa hưởng kinh nghiệm quốc tế, được kiểm chứng bằng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý cao qua thực tiễn áp dụng thời gian qua.
Mục tiêu của Luật Đấu thầu nhắm đến là việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất của đồng tiền, vốn được sử dụng. Đảm bảo tính minh bạch và tính giải trình là hai nguyên tắc cơ bản được thể hiện xuyên suốt nội dung quy định của Luật để phục vụ cho mục tiêu nêu trên.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nghiên cứu tổng thể nội dung Luật sửa đổi, ông Ninh Viết Định cho rằng, so với Luật Đấu thầu hiện hành chủ yếu mang tính cập nhật để đồng bộ trong thực hiện các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, trong đó có cam kết trong các hiệp định thương mại tự do ký với các nước và tổ chức quốc tế. Một số hiệu chỉnh, bổ sung để khắc phục khiếm khuyết trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua thực tế áp dụng thời gian qua cũng đã được ban soạn thảo chú trọng nhưng không nhiều và không làm thay đổi nội dung cốt lõi trong Luật hiện hành. Tuy được soạn thảo và cập nhật qua nhiều đợt hội thảo, góp ý hoàn thiện dự thảo luật, nhưng một số nội dung cần được tiếp tục phân tích sâu và hoàn thiện thêm.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, ông Ninh Viết Định cho biết, Luật Đấu thầu là luật khung với nội dung quy định về quy trình và thủ tục chung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cở sở vận dụng các phương pháp quản lý khoa học, tiên tiến và kinh nghiệm quốc tế mới nhất phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam hiện tại. Vì vậy, đối tượng và phạm vi áp dụng cần được mở rộng tối đa khi có sử dụng vốn, tiền của nhà nước, thuộc sở hữu chung. Như vậy phương án 1 trong dự thảo là quá bó hẹp, có thể tạo ra một không gian tự do, tự chủ lớn đối với các đối tượng ngoài phạm vi quy định theo phương án 1 (không phải là doanh nghiệp nhà nước), nhưng lại thiếu định hướng dẫn dắt trong quỹ đạo chung của cơ chế quản lý, tạo ra sự lúng túng, chủ quan, đôi khi có thể tuỳ tiện trong quyết định trong mua sắm đối với các đối tượng này.
Việc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và cá nhân được giao quản lý sử dụng vốn, tiền cần thể hiện trong phần phân cấp quyết định cho các đối tượng này, tránh “bỏ rơi” các đối tượng để phải tự “mò mẫm” hoặc lạm dụng quyền tự quyết định dẫn đến các sai phạm vì các lý do khác nhau, trong đó có cả lý do chủ quan vì quyền lợi nhóm, lợi ích cá nhân lấn át. Quy trình và thủ tục chung trong Luật Đấu thầu là chuẩn mực đối với các đối tượng rộng rãi khi sử dụng vốn, tiền có nguồn gốc sở hữu chung, nhất là của nhà nước, cần phải tuân thủ và có cơ chế kiểm soát minh bạch.
Đấu thầu rộng rãi sẽ trở thành hình thức ưu việt, tạo sự hấp dẫn, tự lôi cuốn các đối tượng áp dụng.
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu và chỉ định thầu, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đưa ra 8 hình thức lựa chọn nhà thầu cơ bản, đó là: Đấu thầu rộng rãi; Đấu thầu hạn chế; Chỉ định thầu; Chào hàng cạnh tranh; Mua sắm trực tiếp; Tự thực hiện; Tham gia thực hiện của cộng đồng; Đàm phán giá.
Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định về việc vận hành hệ thống đấu thầu qua mạng với phiên bản phần mềm mới tiên tiến, có bổ sung hình thức lựa chọn nhà thầu và lộ trình từng bước để thực hiện, như chào giá ngược, mua sắm điện tử. Thêm nữa trong dự thảo luật cũng quy định trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định nêu trên, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, được áp dụng phổ biến trên thế giới. Chính phủ được giao ban hành quy định chi tiết về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của hệ thống mạng, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Ông Ninh Viết Định, nguyên Trưởng ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nêu quan điểm về nội dung này, ông Ninh Viết Định cho rằng, quy định như vậy cho thấy các hình thức lựa chọn nhà thầu đa dạng, bao phủ toàn bộ các tình huống, tạo điều kiện thuận lợi để người có thẩm quyền dễ dàng lựa chọn phương án tối ưu nhất đối với từng gói thầu. Khi vận hành hệ thấu đấu thầu qua mạng đã thông suốt, hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ trở thành hình thức ưu việt, tạo sự hấp dẫn tự lôi cuốn các đối tượng áp dụng. Cùng với các hình thức đấu thầu khác trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, xu hướng áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư ngoài đấu thấu thầu qua mạng sẽ giảm dần và tiến tới chỉ áp dụng trong những tình huống đặc biệt.
Với xu hướng trên, hình thức chỉ định thầu không cần thiết phải mở rộng trường hợp áp dụng. Dự thảo luật trình Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến góp ý, nội dung cơ bản phù hợp với cách tiếp cận nêu trên, không còn quá mở rộng trường hợp được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy vậy, nếu gắn nội dung điều khoản về chỉ định thầu với điều khoản lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và phạm vi áp dụng của Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 cho phép áp dụng hình thức mua sắm đặc biệt vẫn có sự giao thoa chưa hợp lý.
Luật Đấu thầu 61/2013/QH13 quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu và điều kiện chỉ định thầu chưa thể bao quát hết các tình huống nên đã thiết kế Điều 26 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 cho phép áp dụng hình thức mua sắm đặc biệt đối với một số gói thầu có tính chất đặc thù là giải pháp triển khai quy định tại Điều 26 khi thực tiễn cho thấy áp dụng các hình thức lưạ chọn nhà thầu quy định trong Luật Đấu thầu hoặc không hiệu quả, hoặc không đủ điều kiện để áp dụng. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cần cập nhật và luật hoá các tình huống thực tiễn nêu trên và nội dung Diều 26 sẽ duy trì để xử lý các tình huống mới chưa thể quy định cụ thể ngay trong luật này.
Qua nghiên cứu nội dung Quyết định 17/2019/QĐ-TTg, ông Ninh Viết Định cho biết, danh mục các gói thầu tại điều 3 và quy trình thực hiện tại Điều 4 cho thấy phần lớn các gói thầu thực hiện quy trình chỉ định thầu sẽ là phù hợp và một số trường hợp tương ứng là quy trình chào hàng cạnh tranh. Vì vậy cần phải luật hoá nội dung trên và rà soát để phân bổ các trường hợp trong danh mục gói thầu của quyết định 17/2019/QQĐ-TTg để phân bổ về trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh tương ứng hoặc hình thức khác phù hợp hơn trong quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi lần này. Như vậy, việc cập nhật Luật Đấu thầu lần này với luật hoá nội dung của quyết định 17/2019/QĐ-TTg là công việc cần thiết và phù hợp với mục tiêu, quy trình pháp điển hoá các yêu cầu thực tiễn của quản lý.
Mạng đấu thầu quốc gia là công cụ và giải pháp căn cơ nâng cao tính minh bạch trong đấu thầu.
Về các quy định liên quan đến đấu thầu qua mạng và lộ trình thực hiện, ông Ninh Viết Định cho biết, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phiên bản 2022 mới là hệ thống đã được cải tiến, cập nhật trên cơ sở vận hành hơn 10 năm hệ thống Mua sắm công, với nhiều chức năng mới và áp dụng các giải pháp và thành tựu công nghệ tiên tiến của quốc tế. Với các chỉ tiêu được thống kê qua hệ thống và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, ông Ninh Viết Định khẳng định, các quy định về mạng đấu thầu quốc gia như trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cơ bản phù hợp và cần triển khai quyết liệt các bước tiếp theo để Mạng đấu thầu quốc gia trở thành công cụ và giải pháp căn cơ dài hạn trong quản lý, nâng cao tính minh bạch, tính giải trình trong đấu thầu, từng bước khắc phục bất cập và loại trừ các vi phạm như đã xảy ra trong thời gian qua.
Đối với nội dung liên quan mua thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có quy định cụ thể hơn tại các Điều 23, 28, 55, 58 liên quan đến điều kiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu, bổ sung thêm hình thức đàm phán giá mang tính đặc thù riêng trong lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cũng như quy định chi tiết tại điều khoản riêng bổ sung về quy trình và thủ tục cho loại hình mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Các quy định chi tiết trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cơ bản đã cụ thể và sát hơn với yêu cầu thực tiễn thực hiện hiện nay. Tuy vậy, nghiên cứu qua các vụ vi phạm pháp luật trong mua sắm nói chung và trong ngành y tế nói riêng mấy năm vừa qua cho thấy có một số vấn đề cần cần phân tích thấu đáo để đưa ra giải pháp giải quyết từ gốc và mang tính bền vững, lâu dài. Một số nội dung và giải pháp liên quan cần nêu ngay trong Luật nhưng một số cần phải triển khai ở các bước tiếp theo.