TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 6/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ các chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Việc lập khống hồ sơ bảo hiểm xã hội
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện nay rất phức tạp, điển hình như việc lập khống hồ sơ bảo hiểm xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã xử lý những vi phạm này như thế nào và giải pháp đặt ra; làm rõ nguyên nhân chưa xử lý được việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua và giải pháp xử lý dứt điểm.
ĐBQH Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách… Kết quả, về cơ bản, tình trạng này đã giảm đi.
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; minh bạch cho người lao động biết tình hình đóng bảo hiểm của mình…
Tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Cũng quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ĐBQH Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh, thời gian qua dư luận rất bức xúc trước tình trạng thu sai bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể; đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này và hướng giải quyết trong thời gian tới.
ĐBQH Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Liên quan đến vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết năm 2022, tình trạng chậm, trốn đóng so với năm 2021 tăng 2,69%. Ngoài ra, có hơn 26 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng và điều này đã ảnh hưởng đến khoảng 206.000 người lao động. Thời gian qua, Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho số lượng lao động trên. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Cho biết nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai các biện pháp cụ thể, trong đó thực hiện nguyên tắc, người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó; khuyến khích việc tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị mới hoặc bảo lưu khi người lao động thôi tham gia bảo hiểm xã hội.
Về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
Thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể
Cũng đề cập đến bất cập trong lĩnh vực này, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu vấn đề, nhiều địa phương có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc diện phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Đại biểu băn khoăn liệu có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và hướng giải quyết trong thời gian tới.
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thu sai này diễn ra từ năm 2003 đến 2016 và đã được phát hiện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh, về cơ bản vấn đề này đã được giải quyết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc. Đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, trong chương trình xây dựng pháp luật đã đề xuất đưa các chủ hộ kinh doanh cá thể vào nhóm đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết chất vấn Kỳ họp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị giao Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.
Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động, tính lãi ít nhất bằng tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm.
\
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tham gia giải trình, làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, thực hiện chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc thu trên về bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. Các nhân viên được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai, nên không được nộp bảo hiểm.
Theo Bộ trưởng Tài chính, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc./.