CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH LÊ QUANG MẠNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MỞ RỘNG
Tham dự phiên họp còn có Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình đối với 04 nội dung gồm: Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15; Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đây đều là những nội dung hết sức quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ và hội trường. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Tiểu ban của Ủy ban và Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã dành nhiều thời gian rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình và xây dựng dự thảo báo cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị các thành viên Ủy ban cùng các đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng các nội dung, nhất là các nội dung còn ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất, trên cơ sở đó để tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tại phiên họp các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo các báo cáo tiếp thu, giải trình; đánh giá cao các cơ quan đã tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để có hướng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội bảo đảm đúng nguyên tắc giải trình thuyết phục, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hợp lý của đại biểu Quốc hội.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp liên quan dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ nhất trí và ủng hộ việc có cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Song đại biểu cũng cho rằng nếu chỉ là cơ chế đặc thù nhiều trên lý thuyết thì sẽ không đạt được như kì vọng.
Đại biểu nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cơ chế dành cho Thành phố không chỉ là đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ là vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để mở đường, đảm nhận vai trò dẫn dắt cho cả nước về phát triển kinh tế. Cơ chế phải đủ để Thành phố trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn đặt ra.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại phiên họp
Quan tâm đến cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh chưa có hành lang pháp lý mạnh mẽ, vượt trội so với mặt bằng chung của cả nước hoặc đủ cạnh tranh với các nhà đầu tư trong khu vực. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu qua quy trình thông thường, thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì thường các tập đoàn lớn không tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện rất dài. Đồng thời, các nhà đầu tư chiến lược thường cân nhắc nhiều địa điểm tại nhiều quốc gia khác nhau để triển khai dự án và tổ chức đàm phán các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thời gian triển khai và địa điểm triển khai. Do đó, nếu không có cơ chế đủ mạnh thì Thành phố không thể cạnh tranh với các địa phương ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hiện nay nội dung ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo Nghị quyết về việc “Được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố. Tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định", còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị giữ như phương án Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này bởi không bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong tổ chức thực hiện; chưa xác định cụ thể được nội hàm chính sách ưu đãi, chưa có đánh giá tác động chi tiết; chưa phân tích, làm rõ mức độ phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai trao đổi về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu làm rõ hơn về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, hiện có sự dịch chuyển lớn các nhà đầu tư nhất là trong lĩnh vực chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới, công nghệ xanh, logistic…là những lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích đầu tư. Không chỉ Thành phố mà cả nước mong muốn đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư này. Do đó, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ đón được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi làm rõ, xu hướng hiện nay các các nhà đầu tư khi đàm phán lựa chọn địa điểm đầu tư thưởng yêu cầu được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư thông qua việc hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chi phí đào tạo nhân lực. Thời gian qua, Thành phố đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi
Nhằm tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ, vượt trội đủ cạnh tranh trong khu vực, việc quy định hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố sẽ tạo cho Thành phố chủ động trong việc đàm phán với các nhà đầu tư, cân nhắc kỹ chỉ phi bỏ ra và lợi ích kinh tế, xã hội mà Thành phố thu được. Mặt khác, một số tập đoàn lớn cũng đang quan sát phản ứng chính sách của Việt Nam để quyết định việc đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất giữ hai phương án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn báo cáo thể hiện quan điểm ủng hộ và ưu tiên phương án như Chính phủ trình.
Tán thành với đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng việc cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược là cần thiết. Việc để Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện sẽ là cơ sở để các thành phố lớn khác hay các địa phương khác trong cả nước tham khảo áp dụng nhất là liên quan đến thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị dự thảo Nghị quyết cần có quy định khung tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức, thời điểm hỗ trợ và giao Thành phố quy định nội dung chi tiết để triển khai thực hiện.
Nhấn mạnh yêu cầu phải khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng không nên quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ trong Nghị quyết này mà chỉ cần quy định về việc đồng ý thực hiện cơ chế ưu đãi, quy định khung nguyên tắc bảo đảm. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nêu rõ, trong thời điểm hiện tại mà xác định trước sẽ hỗ trợ cụ thể về bất cứ vấn đề gì sẽ khó phù hợp với thực tiễn và nhu cầu đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu kết luận
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban đều bày tỏ cơ bản tán thành, đồng thuận với phương án tiếp thu, giải trình.
Liên quan đến ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý cần cân nhắc xem xét một cách toàn diện các khía cạnh của cơ chế này, đánh giá tác động nhiều chiều cả trong nước và quốc tế bởi nội dung này liên quan đến thu hút đầu tư, chiến lược quốc gia thu hút các nhà đầu tư. Do đó cần có cách thể hiện bảo đảm vừa rõ ràng, hiệu quả, tránh tự gây sức ép với mình trong quá trình đàm phán đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo và tham mưu với Chính phủ trong việc cân nhắc các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để có hướng hoàn thiện nội dung, có giải trình thuyết phục Quốc hội.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ nhiêm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi trao đổi về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15
Phó Chủ nhiêm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trao đổi về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Phó Chủ nhiêm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trao đổi về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Cao Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh
Các đại biểu tham dự phiên họp