ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh chất vấn nguyên nhân chậm tiến độ đối với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành đối với dự án này trong thời gian tới.
ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn về việc ngưng tiến độ xây dựng dự án đường Quốc lộ 30 tại tỉnh Đồng Tháp
Cũng phản ánh về tình trạng ngừng thi công của tuyến đường Quốc lộ 30 tại tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh đây là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, đã được đầu tư rồi, 6-7 năm nay lại bị cắt vốn. Cử tri trong tỉnh rất thắc mắc về vấn đề này, đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo để tuyến đường này được triển khai tiếp tục.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề cập đến phương án xây cầu cạn, cho rằng việc xây dựng cầu cạn sẽ có nhiều cái lợi, không gây trở ngại trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới môi trường. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, nghiên cứu việc xây dựng cầu cạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trước mắt có thể thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng
Lý giải nguyên nhân chậm trễ tiến độ đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, nguồn vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được.
Để tháo gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính. Hiện các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại.Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, nguồn vốn cơ bản được tháo gỡ, các đơn vị đang phối hợp chuẩn bị chương trình thủ tục, điều chỉnh dự án để tiếp tục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Khái giải trình thêm về hướng tháo gỡ đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên nhân về vốn như Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói “chỉ là một phần”. Qua thị sát cho thấy vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm. Về dự án này, đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Khái giải trình thêm về hướng tháo gỡ.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan
Tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dự án này đã được phê duyệt từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, đã có những cơ chế phân bổ vốn chưa được thuận lợi, đặc biệt là về vốn ODA nên dự án bị tạm dừng.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đây là dự án sử dụng vốn ODA theo hình thức BOT, nên ngân sách nhà nước không được bố trí mà phải sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác. Trong khi đàm phán ODA đang gặp khó, nếu dùng tiền thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thì cần có cơ chế riêng để đáp ứng trả nợ 5 dự án vay vốn của đơn vị này.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, vừa rồi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với dự án này. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán kỹ về cơ chế nguồn vốn và đàm phán lại các nhà đầu tư, nỗ lực để có nguồn vốn khởi động lại dự án này sớm nhất có thể.
Liên quan tới việc thiếu vật liệu xây dựng và phương án xây dựng cầu cạn đối với đường cao tốc, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng do đó rất thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt cho xây dựng những công trình giao thông, công trình xây dựng dân dụng, do đó phải tìm giải pháp hiệu quả và phù hợp với tình hình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đã đề cập về việc thử nghiệm cát biển. Tuy nhiên nếu như đề xuất của đại biểu Phạm Văn Hòa phù hợp và cái được nhiều hơn thì chúng ta cũng có thể chấp nhận phương án đó, tuy nhiên sẽ cần giá đầy đủ. Ví dụ như cầu cạn thì được hơn những gì so với việc chúng ta làm đường cao tốc bình thường (về khai thác đất, về sử dụng vật liệu xây dựng, về giá trị khai thác và tác động đến môi trường…) đề đưa ra quyết định. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu vấn đề này để đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có phương án tốt nhất.
Đối với vấn đề chậm tiến độ đối với dự án đường Quốc lộ 30, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, bản thân rất quan tâm và đề nghị các bộ, ngành theo trình tự, thủ tục quy định dành nguồn lực nhất định cho những công trình theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, có tính toán đến những đặc thù để xử lý, giải quyết các vấn đề của những dự án đường giao thông mà các đại biểu Quốc hội có đề nghị./.