SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG: ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

11/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, tại các phiên thảo luận tại tổ cũng như các hội nghị, hội thảo về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các quy định tại các luật có liên quan và một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật trên nguyên tắc chỉ luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, nội dung quan trọng này đã được xem xét, thảo luận tại tổ cũng như nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo. Tại diễn đàn Quốc hội, góp ý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu có những quy định đảm bảo tính chặt chẽ, nhất là quy định đối với tài sản bảo đảm, những vấn đề quản lý tài sản thế chấp bảo đảm. Cần có quy định trong trường hợp tài sản bảo đảm khi có sai khác giữa thực tế và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người có tài sản thế chấp (như sai số về diện tích đất, tài sản trên đất, diện tích xây dựng...) để đảm bảo cho việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, tránh việc xảy ra tranh chấp khi xử lý tài sản bảo đảm có sự sai số giữa thực tế và trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định rõ về quyền lợi, và nhất là trách nhiệm của người vay vốn có tài sản thế chấp bảo đảm nhưng được giao bảo quản để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm quy định tại điều 187 Dự thảo luật, đại biểu đề nghhij ban soạn thảo bổ sung “án phí” vào diện nghĩa vụ không có bảo đảm trong thứ tự ưu tiên thanh toán. Để những nội dung quy định này dễ áp dụng trong thực tiễn, đại biểu đề nghị trong Điều 187 thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm dự thảo kết cấu lại thành hai hai khoản, gồm: Khoản quy định riêng đối với tất cả các khoản thanh toán liên quan trực tiếp đến việc xử lý tài sản bảo đảm; Khoản quy định điều chỉnh đối với các nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm, cũng như việc thực hiện nhiều nghĩa vụ bảo đảm khác và sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên thanh toán xử lý tài sản bảo đảm để rõ ràng, dễ áp dụng trong thực tiễn.

Khoản 3, Điều 91 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Theo đó, “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngân hàng nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”. Đại biểu Vương Thị Hương nêu quan điểm, việc Ngân hàng nhà nước quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đối với hoạt động ngân hàng trên thị trường.

Vì vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết (trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường như đang quy định trong dự thảo luật), để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, Ngân hàng nhà nước mới thực hiện việc quy định cơ chế xác định phí, lãi suất. Tuy nhiên, để tránh việc tùy tiện trong áp dụng quy định này, cũng như tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch, đại biểu đề nghị quy định rõ phạm trù “diễn biến bất thường” trong dự thảo luật, như thế nào là hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường? những hoạt động bất thường đó là những hoạt động nào?

Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, từ Điều 144 đến Điều 148, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng. Cho ý kiến về quy định này, có ý kiến đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định tại Chương về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; Tăng trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, giám sát tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các quy định tại các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Doanh nghiệp; Luật chứng khoán;… và một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật trên nguyên tắc chỉ luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Đồng thời, rà soát những nội dung dự thảo Luật quy định đặc thù so với các luật khác, bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ các khái niệm như tập đoàn tài chính, người có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của các khái niệm trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, bổ sung một chương riêng về ngân sách, chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các nghị định có liên quan của Chính phủ nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này trong thời gian tới.

Cùng với đó, rà soát các nội dung xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế, phù hợp với Hiến pháp, không chồng chéo với các quy định của các luật có liên quan. Làm rõ nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung trong điều kiện bình thường hoặc những nội dung đặc thù có thể áp dụng trong điều kiện bình trường, chỉ áp dụng với những khoản vay đúng quy định.

Minh Hùng