UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM VỚI NHỮNG NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HĐND BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN
Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức các phiên họp Thường trực và toàn thể Ủy ban, làm việc với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội chưa có tính toán, đánh giá tác động của Chính sách về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách trong việc kéo dài thời gian thực hiện, mở rộng phạm vi áp dụng và việc nâng mức giảm như đề nghị của ĐBQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo
Do vậy, trước mắt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế GTGT như đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian áp dụng từ 01/7/2023 đến 31/12/2023. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện mục tiêu chính sách như đã đặt ra, lượng hoá các tác động về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách từ việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT này, báo cáo Quốc hội chi tiết về kết quả thực hiện và tác động thực tế của việc thực hiện chính sách giảm Thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023 trong Báo cáo tổng hợp về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, làm cơ sở cân nhắc các giải pháp chính sách một cách phù hợp sau khi kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội.
Về nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của ĐBQH, quy định các nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách nhà nước. Trong đó, bổ sung quy định giao Chính phủ nội dung: “Không trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm đối với: Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định; Các khoản thu, chi đã được Kiểm toán nhà nước kết luận, kiến nghị xử lý trong niên độ kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trước thời điểm cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và các năm trước nhưng chưa xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước”.
Đồng thời, để bảo đảm kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được sử dụng làm căn cứ phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán Ngân sách địa phương cấp tỉnh, thành phố hàng năm, dự thảo Nghị quyết giao Kiểm toán Nhà nước: “Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm trước thời điểm cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán ngân sách nhà nước làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm”.
Các đại biểu tại phiên họp
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, về phân bổ và bố trí vốn đầu tư công, Điểm a khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội quy định: “Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, trường hợp Thành phố dự kiến có nguồn thu để bố trí tăng chi đầu tư phát triển, Hội đồng nhân dân Thành phố được phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn số vốn tăng thêm”.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật NSNN, HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, trong đó bao gồm cả chi đầu tư phát triển để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn vốn này. Nội dung này cũng đã được thể hiện tại Điều 49, 62, 67 và Điều 83 của Luật Đầu tư công. Khoản 6 Điều 7 Nghị quyết số 29 của Quốc hội cũng cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện bình thường quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật NSNN. Nếu quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 62 địa phương khác trên cả nước.
Do đó, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và thực tiễn thi hành, để hiểu thống nhất về pháp luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp
Tham gia thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Các đại biểu đã phân tích liều lượng, mức độ, thời hạn của biện pháp giảm thuế, đánh giá kỹ lưỡng tình tình thực tế và tác động dự kiến tới nền kinh tế. Đối với cơ chế đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng cần đưa ra những chính sách đủ mạnh, vượt trội với thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho Tp.Hồ Chí Minh có sự phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các chính sách đưa ra, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có sự kết nối đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo phù hợp, khả thi trong tổ chức thực hiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến của các đại biểu đề nghị nới rộng mức độ và thời gian giảm thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để nhìn nhận rõ tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách để đưa ra chính sách phù hợp, thận trọng. Việc áp dụng mức giảm thuế này cho năm sau sẽ được tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tại Kỳ họp tháng 10 để đảm bảo thận trọng, chắc chắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận
Về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát kỹ lưỡng và Kiểm toán Nhà nước xem xét kết quả rà soát thu, chi ngân sách; Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước phối hợp tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao dự thảo Nghị quyết và sự chuẩn bị của các cơ quan hữu quan. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình cần làm rõ thêm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, quy định về hợp đồng BT phải thật sự chặt chẽ, kín kẽ để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu ý kiến về cơ chế đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh để tạo đột phá cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các dự thảo Nghị quyết và sự chuẩn bị của các cơ quan hữu quan, đồng thời đề nghị rà soát, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng, đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết./.