THÁO GỠ RÀO CẢN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP, GIÚP NÔNG SẢN THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

16/06/2023

Quan tâm đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần khắc phục thực trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún và rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận đất nông nghiệp tham chiếu từ góc độ chính sách, pháp luật.

Tháo gỡ rào cản sử dụng đất nông nghiệp manh mún, giúp nông sản tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Nghiên cứu sâu về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, cho biết, theo thống kê năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp của nước ta là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511 km2, đất lâm nghiệp là 153.731 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.120 km2. Việt Nam có 8 vùng đất nông nghiệp gồm: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mỗi vùng đều có đặc trưng cây trồng rất đa dạng.

Đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đất tại các vùng nên độ phì và độ màu mỡ của đất nông nghiệp giữa các vùng cũng khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Sau mỗi chu kỳ hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác. Quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, đặc biệt năm 2007 giảm 120 nghìn hécta, trong khi mỗi năm số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ vào khoảng 400 ngàn người.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội

Như vậy, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ trong những năm qua đang làm cho đất đai bị khai thác cạn kiệt, chi phí sản xuất cao, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng quy mô lớn và hiện đại đang thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Nhờ đó, các hình thức mang tính thương mại như chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất được xem là những giao dịch mở đầu cho việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta.

Lý giải nguyên nhân của sự manh mún trên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết, các đạo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đều nhất quán quan điểm “bảo đảm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có đất sản xuất”.

Quan điểm này được thể hiện trong Luật Đất đai năm 2013 với một số quy định cụ thể sau: Một là, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

Hai là, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ba là, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Bốn là, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Tuy nhiên, quy định này đang là rào cản cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, gây khó khăn cho hàng hóa nông sản của nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do không áp dụng được máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, lần sửa đổi này cần tính toán khắc phục những hạn chế trên.

Vẫn còn bất cập trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp

Qua thực tiễn nghiên cứu pháp luật và giải quyết các vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội và một số chuyên gia cho biết, theo kết quả điều tra doanh nghiệp, trong năm 2014 cho thấy hầu hết doanh nghiệp (78,5%) cho rằng doanh nghiệp duy trì quy mô sản xuất như bình thường, 15,2% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Số còn lại giảm quy mô sản xuất, tạm dừng hoặc đóng cửa, giải thể. Điều này cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, rào cản trong kinh doanh. Cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc phải giảm sản xuất, tạm dừng hoặc đóng cửa như không vay được vốn (40%), không tìm được thị trường đầu ra (40%), giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao (29,4%); không tuyển được lao động theo yêu cầu (20%), môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định (20%) và muốn chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác (7,7%) … Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt là khó khăn về tiếp cận đất đai hầu như chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều chính sách liên quan được ban hành. Có tới 63% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai trong khi tình hình không mấy được cải thiện. Điều này cho thấy tiếp cận đất đai đang là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội

Thứ hai, theo đánh giá của doanh nghiệp nông nghiệp thì hầu như không có sự tiến bộ đáng kể nào trong tiếp cận đất đai. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tốt lên” hầu như không thay đổi và duy trì ở mức khoảng 10%; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “kém đi” lại tăng từ 6,3% lên 7,8%. Khoảng 50% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ đất đai “không có thay đổi gì” và có trên 1/3 số doanh nghiệp “không biết” về dịch vụ đất đai. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải “tự bơi” khi muốn mở rộng mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh; Vì ngoài vấn đề vốn, sức lao động và khoa học công nghệ thì mặt bằng cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Đây thực sự là điểm nghẽn trong hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Thứ ba, hiện nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài nên còn không nhiều quỹ đất này Nhà nước đang quản lý để cho doanh nghiệp thuê sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Với quy mô bình quân đất đai nhỏ và manh mún như hiện nay (bình quân khoảng 4.280 m2/hộ) thì doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ gia đình nông dân mới có đủ đất để triển khai thực hiện dự án nông nghiệp. Trong trường hợp này, việc thỏa thuận, thương lượng, bồi thường rất khó khăn, phức tạp, kéo dài do không ít hộ gia đình đưa ra mức tiền bồi thường quá cao. Muốn tiếp cận được đất đai, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, hành vi này là không đúng với các quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Thứ tư, trong kinh doanh nói chung và kinh doanh về nông nghiệp nói riêng, muốn phát triển thì doanh nghiệp phải đầu tư thương mại hóa và hiện đại hóa sản xuất từ việc xác định nhu cầu thị trường để hoạch định sản phẩm đến đầu tư khoa học, công nghệ tiến tiến, hiện đại vào sản xuất v.v. Do đó, chủ động sản xuất trên cơ sở tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn là điều kiện cần thiết.

 Việc pháp luật đất đai hiện hành không cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp hạn chế việc tập trung đất đai. Trong khi đó, trên thực tế việc chuyển đổi, tập trung ruộng đất dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn đã và đang thực hiện tại một số địa phương nhưng còn ở quy mô nhỏ và chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân; việc phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các đối tượng bị Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê đất bị thu hẹp lại; theo đó, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định cụ thể tại Điều 62. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực đất đai có hạn và khó tập trung như hiện nay thì chỉ những dự án nông nghiệp công nghệ cao mới được ưu tiên tiếp cận nguồn đất sạch. Như vậy, các doanh nghiệp bị sàng lọc và phải cạnh tranh với nhau để có được nguồn đất sạch cho kinh doanh.

Thứ sáu, các quy định về ưu đãi đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được ban hành song nguồn lực thực hiện hạn chế nên ít doanh nghiệp tận dụng được cơ hội. Để có đất sử dụng cho kinh doanh, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc liên kết với hộ gia đình nông dân theo phương thức doanh nghiệp đầu tư và hộ gia đình nông dân góp đất. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong mô hình liên kết sản xuất này; đặc biệt là việc giải tỏa tâm lý giữ đất nhằm đảm bảo sinh kế khi bất trắc xảy ra của người nông dân13 cũng như việc tuân thủ hợp đồng để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh trên đất liên kết đó.

Hồ Hương