TIẾP THU, CHỈNH LÝ, GIẢI TRÌNH NHIỀU NỘI DUNG HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

20/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật này.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, ngày 25/5/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ngày 12/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều.

Về áp dụng Luật Hợp tác xã (HTX) và luật khác, dự thảo Luật đã được tiếp thu và chỉnh lý tại Điều 3, theo đó, tại Điều 3 quy định nguyên tắc áp dụng Luật Hợp tác xã và luật khác mang tính khái quát nhằm bảo đảm tính bình đẳng trong quan hệ pháp luật tương tự như Điều 3 tại Luật Doanh nghiệp năm 2020; các luật dẫn chiếu đến bao gồm Bộ luật Dân sự, Luật Các Tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX như Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phí và lệ phí, các luật về thuế…

Việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung quy định tại Chương II về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Đối với quy định về Tổ hợp tác (Chương IX), dự thảo Luật đã được nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 2 Điều 107 quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển theo chủ trương tại Nghị quyết số 20/NQ-TW trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác, cụ thể quy định: “Tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc tổ hợp tác đề nghị thụ hưởng chính sách của Nhà nước phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; khuyến khích tổ hợp tác khác đăng ký”.

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, do nội dung này có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH, qua tổng hợp Phiếu xin ý kiến. Trên cơ sở kết quả Phiếu xin ý kiến, dự thảo Luật đã được tiếp thu và hoàn thiện theo ý kiến của đa số ĐBQH. Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp,  tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là đối với HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Đối với hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ (Điều 79, Điều 83),  Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: tại dự thảo Luật quy định hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên (khoản 1 Điều 79) và hoạt động cho vay nội bộ (Điều 83). Tại khoản 1 Điều 83 quy định “Cho vay nội bộ là việc HTX, liên hiệp HTX cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ.

Hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng”. Tại điểm b khoản 2 Điều 83 quy định nguyên tắc HTX, liên hiệp HTX không được thực hiện việc huy động vốn trong và ngoài thành viên để cho vay nội bộ, bởi hoạt động này tương tự như hoạt động tín dụng do các TCTD thực hiện theo quy định của pháp luật về các TCTD đòi hỏi yêu cầu cao và chặt chẽ trong quản trị rủi ro. Tại khoản 3 Điều 83 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này về điều kiện đối với HTX, liên hiệp HTX thực hiện hoạt động cho vay nội bộ và quy định mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ.

Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung điểm h khoản 2 Điều 110 quy định một trong các nhiệm vụ của tổ chức đại diện của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX là đánh giá hiệu quả và đóng góp kinh tế, xã hội, văn hóa từ hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên. Việc quy định về hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tại dự thảo Luật là phù hợp, tương tự như việc quy định về một số hội tại pháp luật hiện hành; bổ sung tại khoản 2 Điều 111 nhằm thể hiện tính hệ thống, liên kết của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.

Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH đối với nhiều nội dung khác; đồng thời tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản đối với toàn bộ dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Lan Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng