TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

23/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 23/6, trước khi thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau nghe khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày đã nêu rõ: Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 2), Có ý kiến đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.  

Một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định bổ sung đầy đủ các chức vụ, chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm. Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội: theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổng số những người giữ các chức vụ, chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là khá lớn. Do đó, để bảo đảm hiệu quả thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết chỉ xác định đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc ban hành và thực thi chính sách hoặc người giữ chức vụ tại các cơ quan hoạt động thường xuyên và có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mà không áp dụng đồng loạt đối với tất cả các chức vụ, chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên, qua thảo luận, có ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết và đề nghị bổ sung trường hợp nghỉ điều hành công tác từ 06 tháng trở lên vì lý do khác (không phải là vì lý do sức khỏe). Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cần bám sát Quy định số 96-QĐ/TW về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND; kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Quy định số 96-QĐ/TW đã xác định cụ thể các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND (các điều 14, 15 và 16), một số ý kiến đề nghị làm rõ các trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, không nên quy định chung là “khi xét thấy cần thiết” như tại điểm a khoản 1 Điều 14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 để làm rõ hơn các trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.  

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thẩm quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tự mình đề nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm khi xét thấy cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: các chủ thể có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm và trình tự, thủ tục đề nghị Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đã được nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng cả về tính chính trị, tính pháp lý và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm phù hợp với cơ chế hoạt động, tính chất, mức độ phức tạp khác nhau ở cấp trung ương và ở các cấp chính quyền địa phương trong quá trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13, Nghị quyết số 85/2014/QH13 và Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm giải trình trước Quốc hội, HĐND sau khi thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổ đại biểu HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12, Điều 17), có ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, cần có cơ chế cho người có phiếu tín nhiệm thấp chủ động xin từ chức, bổ sung thời hạn xin từ chức,... Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị cần thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm luôn để bảo đảm tính nghiêm minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.

Đối với ý kiến đề nghị quy định người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm ngay tại kỳ họp đó mà không chờ đến kỳ họp sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: việc dự thảo Nghị quyết quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với người có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” có thể được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất là để bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện các quy trình về công tác nhân sự. 

Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động của HĐND ở địa phương, khi kỳ họp của HĐND thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Mặt khác, tại Điều 19 của dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của HĐND đến cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cơ quan cấp trên trực tiếp để thực hiện giám sát, nên các vấn đề về công tác cán bộ sẽ được theo sát và xử lý sớm nhất có thể, hạn chế để xảy ra tình trạng cán bộ có tín nhiệm thấp vẫn tiếp tục giữ chức vụ trong thời gian dài sau đó.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình về cách tính tỷ lệ kết quả phiếu tín nhiệm (Điều 19), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu và đã rà soát, chỉnh lý các điều khoản có liên quan về cách tính kết quả phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết (các điều 12, 13, 17 và 19). Theo đó, tổng số phiếu được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm là tổng số phiếu thu về khi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để bảo đảm thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua đã được chỉnh lý, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản gồm 22 điều và 07 Phụ lục kèm theo.

14h10: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. 

Kết quả cho thấy, có 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, (chiếm tỷ lệ 95,14%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

14h12: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đã có 118 lượt ý kiến phát biểu. Về cơ bản, các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững thị trường bất động sản vận hành thông suốt thị trường; quản lý chặt chẽ cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên đất; xây dựng thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường, phát triển nhà ở, đặc biệt ở nhà ở xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa thị trường công bằng xã hội đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Tổng Thư ký Quốc hội đã có tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

14h14: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo bao quát nhưng không chồng chéo với các Luật liên quan

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 11, để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường về tiền tệ, tín dụng, đồng thời cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị, các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản…

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định có liên quan đến kinh doanh bất động sản, để bảo đảm hợp lý hơn, đại biểu Sang đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính bao quát nhưng không chồng chéo với các luật có liên quan. Nhất là trong việc đầu tư xây dựng bất động sản, theo đại biểu nên để ngành xây dựng thực hiện.

14h19:  Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc đồng thuận với những nội dung được đưa ra trong dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề  nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các nội dung đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan.

Về thời hạn sở hữu công trình xây dựng công trình nhà chung cư theo niên hạn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị gắn với tình hình thực tế. Việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian với đất. Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua, đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư. Về sàn giao dịch bất động sản cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, theo quy định chặt chẽ nhiệm vụ của chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến dự án kinh doanh bất động sản cho người mua và kể từ ngày hết hạn thuê mua để được cơ quan Nhà nước thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung khoản 3 Điều 18 về thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở, công trình xây dựng là các nội dung liên quan đến các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, đảo đảm đồng bộ về trách nhiệm của chủ đầu tư trong các loại hình dự án bất động sản cũng giống như bảo đảm tính hệ thống nhất với các điều khoản có liên quan của luật này.

Đối với các quy định về sàn giao dịch bất động sản tại Điều 57 của dự thảo luật đã thu hút sự quan tâm và tranh cãi liên quan đến việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch bất động sản sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất sản mà còn đảm bảo tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi luật được Quốc hội thông qua đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

14h24: Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần có cơ chế phối hợp để vận hành hệ thống thông tin dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Bày tỏ thống nhất với hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội, Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng tại Kỳ họp thứ 5 này và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 luật có liên quan mật thiết đến nhau, đó là: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đại biểu, một trong thông tin xuyên suốt 3 dự án luật này là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Đây là thông tin rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung chương 8 về xây dựng và quản lý dữ liêu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản.

Đồng thời cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý nhà nước.

14h30: Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh bất động sản

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhất trí cao sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)  và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ của Chính phủ. Dự thảo Luật cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu và thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này trên tinh thần Nghị quyết số 11 năm 2017, Nghị quyết số 18 năm 2022, đặc biệt là giải quyết 8 nhóm vấn đề tồn tại trong kinh doanh bất động sản hiện nay nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, lành mạnh, an toàn, bền vững theo cơ chế thị trường.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung và tách 1 khoản riêng là dự án sân golf, khu nghỉ dường và dự án đầu tư xây dựng khác có công năng phục vụ hỗn hợp để có quy định chính sách phù hợp. 

Về nguyên tắc kinh doanh bất động sản tại Điều 4, đại biểu đề nghị bỏ từ “tự do” trong “tự do thỏa thuận” vì dễ dẫn đến cách hiểu khách nhau trong hướng dẫn của dự thảo luật. Đồng thời đề nghị khoản 3 Điều này sửa lại là: kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch, trung thực thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh”. Nội dung này tương thích với quy định tại Điều 7 về công khai thông tin bất động sản.
 
Liên quan đến các hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”. Đặc biệt cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm, và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.

Đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 4 với các hành vi “gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh bất động sản”; bổ sung khoản 5 Điều này về thực hiện các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao dịch. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc bổ sung này cũng tương thích tại các Điều 19,20,21,22 của dự thảo Luật.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản tại khoản 4 Điều này, đại biểu bày tỏ đồng tình nhưng đề nghị bổ sung thêm ý: “trừ trường hợp bên tham gia hợp tác, liên danh cùng có tên được công nhận là đồng chủ đầu tư trong giấy chứng nhận chủ đầu tư” để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư cho phép hình thức hợp tác đầu tư liên danh.

Tại khoản 7, để đảm bảo chặt chẽ quyền lợi khách hàng, cần bổ sung công đoạn nghiệm thu vào điều kiện cho rõ ràng hơn và sửa lại là: “chỉ được phép bàn giao nhà ở cho khách hàng sau khi đã hoàn thành nghiệm thu việc xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

14h36: Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cân nhắc quy định phân khúc các loại giao dịch bất động sản

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, về giao dịch bất động sản, tại Điều 57 có quy định: “Các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, theo quy định của Luật này". Đồng thời, tại Điều 60, một trong các quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản là có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”. 

Đại biểu bày tỏ đồng tình với các lý do giải trình tại Báo cáo số 127 là đưa quy định này vào trong Dự thảo Luật, trong đó có lý do là nhằm Tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch bất động sản, nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.

Vì vậy, đối với nội dung này, đại biểu đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch bất động sản ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử; và làm rõ thêm nội hàm tiêu chí của cụm từ “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”. 

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn, là theo hướng phân loại, phân khúc các các loại giao dịch bất động sản. Trong đó, có loại giao dịch bắt buộc phải thực tiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần qua sàn giao dịch.

14h41: Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam: Sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản phải tạo ra tính ổn định về chính sách.

Phát biểu góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Hải nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Đại biểu mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra. Để đảm bảo chính sách của Nhà nước cần có 4 yếu tố là tính ổn định của chính sách; tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu); phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường. 

Đại biểu cho rằng, các mục tại Điều 8 của dự thảo luật còn chung chung, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích; đồng thời kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ thuế…

14h48: Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Bổ sung điều kiện của tổ chức kinh doanh bất động sản 

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là dự án luật quan trọng được cử tri, Nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất quan tâm. Dự án nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển thị trường bất động sản và quản lý chặt chẽ thị trường này.

Nghiên cứu dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết còn một số hạn chế và cần tiếp tục hoàn thiện Điều 10 và Điều 59 dự thảo Luật. Đại biểu chỉ rõ, về điều kiện để tổ chức được kinh doanh bất động sản hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự vừa không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản như tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn và tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạ. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản là: “Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn”. 

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 10 điều kiện cấm đối với cá nhân bán chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính và với chính khoản 1 Điều 10.

Về Điều 59,  đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ quy định về điều kiện của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản có hạn chế là đã để lọt 2 nhóm đối tượng cũng phải bị cấm quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản là những người đang chấp hành án phạt về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản (như bị phạt cảnh cáo, phạt tiền cải tạo không giam giữ, trục xuất, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cấm cư trú, quản chế, tước 1 số quyền công dân và tịch thu tài sản); và nhóm những người đang bị tạm giữ chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản hoặc đang bị tước chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thời hạn về hành vi vi phạm trong hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.

Để khắc phục hạn chế của dự thảo, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà tách khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật thành hai khoản, trong đó, một khoản quy định về năng lực hành vi dân sự, một khoản quy định về trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bổ sung và viết lại Điều 59 dự thảo Luật theo hướng: có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và chứng chỉ hành nghề; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; không đang bị tạm giữ chứng chỉ hoặc tước chứng chỉ.

14h55: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Bảo vệ quyền lợi của người mua nếu nhà nước thu hồi đất

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận nhằm hoàn thiện dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, kinh doanh bất động sản có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 bao gồm các trường hợp: công trình xây dựng, chuyển nhượng bất động sản do phá sản… không thuộc loại hình kinh doanh bất động sản, không tìm kiếm lợi nhuận. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. 

Bên cạnh đó, các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản có liên quan đến luật Đất đai, luật Nhà ở, đại biểu đề nghị cần thống nhất luật nào là chủ đạo, các luật khác có liên quan chỉ dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản là rất cần thiết, đại biểu cho rằng, cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà. Đại biểu phản ánh, thời gian qua, không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng, khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định chủ đầu tư phải có vốn không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án trên 20 ha. Đại biểu cho rằng cần nêu rõ giới hạn diện tích này là cho từng dự án, hay tính tổng các dự án.

Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu cho rằng, cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê, còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi nhà nước thu hồi đất.

15h02: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về hiệu lực hợp đồng kinh doanh bất động sản

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Dương Khắc Mai tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật như lý do trong Tờ trình của Chính phủ. Quan tâm đến nội dung về công chứng chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản, đại biểu Mai bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng tháp… 

Liên quan đến nội dung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng kinh doanh bất động sản, đại biểu Mai cho biết, hiện nay hiệu lực của hợp đồng liên quan đến vấn đề này có một số quy định khác nhau. Cụ thể, là giữa dự thảo Luật này với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Do đó, những vấn đề có liên quan đến hiệu lực hợp đồng, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy định pháp luật, tránh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành. 

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định nhằm đảm bảo tính phù hợp với các luật khác cũng như một số Luật có liên quan. Ví dụ như dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sủa đổi)... đang được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp này.

15h08: Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Chủ đầu tư phải có thông báo đến cơ quan có thẩm quyền đối với nhà ở hình thành trong tương lai

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh đồng thuận với những nội dung được đưa ra trong dự án Luật.

Cho ý kiến về nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, chủ đầu tư dự án phải có thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để được bán, cho thuê, mua. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phải có trách nhiệm với các loại nhà bán, cho thuê, mua để đảm bảo quyền lợi cho người mua.

Về thủ tục chuyển nhượng, trong dự án Luật cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức có yếu tố đầu tư nước ngoài trong việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đối với các dự án bất động sản… 

Về thủ tục chuyển toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tại khoản 3 Điều 43 dự thảo Luật quy định trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi đã quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, thủ tục sẽ thực hiện như sau: 

Bước một, bên chỉ ngoài thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước. Bước hai, bên nhận chuyển đổi sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của luật về đất đai. 

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, việc đầu tư phải thực hiện thủ tục theo đúng hướng bên chuyển đổi trả lại đất đai sau khi Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là chủ đầu tư dự án sẽ làm phức tạp thêm thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện các hoạt động chuyển nhượng. Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng có ý nghĩa về các yếu tố, điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đã được thẩm định. Vì vậy, thủ tục thành 2 bước như vậy như dự thảo là không hợp lý. 

Từ bất cập trên, đại biểu đề nghị cơ quan thảo luận xem xét sửa đổi thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như các trường hợp chuyển nhượng của tổ chức kinh doanh quốc tế có vốn trong nước. Theo đó, sau khi bán, chuyển nhượng gửi hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng dự án phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao dự án.

15h14: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân góp ý về nghĩa vụ của bên mua đưa nhà ở công trình xây dựng vào kinh doanh quy định tại Điều 20 dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cho thuê và chưa thống nhất với các luật hiện hành vì hiện nay chưa có quy định về nghĩa vụ bên cho thuê phải làm các thủ tục như dự thảo quy định. 

 Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo sửa đổi bổ sung bên bán cho thuê mua nhà ở công trình xây dựng có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê mua, thuê mua nhà ở công trình xây dựng; trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán.

Về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản tại Điều 42, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo sẽ gây phát sinh nhiều bất cập vướng mắc về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất tránh phát sinh các bất cập, vướng mắc, đại biểu đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng thống nhất thẩm quyền trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản thực hiện theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Đối với các dự án khác không phải là dự án kinh doanh bất động sản thì tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hiện hành.

Đối với quy định về giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản được quy định tại Điều 57, đại biểu kiến nghị để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, đề nghị tất cả các giao dịch bất động sản có ít nhất một bên là cá nhân tham gia thì bắt buộc phải công chứng. Riêng các trường hợp giao dịch bất động sản giữa các tổ chức với nhau thì có quyền lựa chọn giao dịch thông qua công chứng hoặc và sàn giao dịch bất động sản.

15h20: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Bổ sung quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai

Về bất động sản hình thành trong tương lai quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản, có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.

Liên quan đến quy định nguyên tắc kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Ban soạn thảo rà soát những khoản nào thuộc phạm trù nguyên tắc - tức là những điều cơ bản định ra nhất thiết phải tuân theo, những khoản nào thuộc phạm trù yêu cầu - tức là điều cần phải đạt được trong một nhiệm vụ nào đó nhằm đảm bảo tính khoa học và rõ ràng của dự thảo Luật. 

Về quy định giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản cho các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng tại khoản 1 Điều 48, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, việc quy định trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó thì còn chung chung, chưa rõ để áp dụng. Vì vậy, đề nghị dự thảo quy định cụ thể Bộ tài chính hướng dẫn các trường hợp giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản để hạn chế tình trạng giá mua thấp hơn giá ghi trên hợp đồng mua bán bất động sản. Theo đại biểu, hiện Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 92 năm 2015 quy định hướng dẫn tính giá chuyển nhượng khi tính thuế thu nhập quy định tại Điều 17.

Liên quan đến quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản tại Điều 65, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên quy định này chỉ có giới hạn đối với một số môi giới tham gia hoạt động trên sàn, trong khi đó thực tiễn hàng loạt môi giới khác không tham gia sàn giao dịch mà hành nghề tự do, đối tượng này lại được đông đảo người lựa chọn thì theo Luật không cần có chứng chỉ. “Vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý nhà nước có kiểm soát được đối tượng này hay không? Có gì bất cập không khi người là môi giới cần có chứng chỉ, người lại không cần có chứng chỉ vẫn được hành nghề rộng rãi?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Về vấn đề tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị dự thảo Nghị định phải quy định rõ về điều kiện để các cơ sở đào tạo được phép đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, làm căn cứ cho Bộ Xây dựng khi xét duyệt và cấp phép.

15h26: Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tranh luận

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Lâm Thành về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, rất ít gia đình không cần giấy chứng nhận, vì giấy chứng nhận có thể bảo đảm an toàn pháp lý, làm bảo lãnh tín dụng, làm tài sản bảo đảm để vay ngân hàng…

Thực tế, việc chậm trễ thường do chủ đầu tư, vì lý do chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, hoàn thiện hồ sơ pháp lý… Nếu yêu cầu người mua nhà nộp sớm 5% thì người mua gặp khó khăn, thiệt thòi. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất, tài sản sở hữu khác gắn liền với đất thì bên bán, bên thuê mua không được thu quá 90%. Người mua giữ lại 5% để đến khi làm hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận thì người mua mới phải nộp.

15h51: Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Quy định các biện pháp kiểm soát giá bất động sản.

Cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, giá bất động sản có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu giá bất động sản tăng, giá cả, chi phí hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo; giá bất động sản đều phải phản ánh vào giá cả. Mặc dù cần tôn trọng quy luật thị trường nhưng cũng cần phải quy định các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản.

Tại Điều 10 quy định về tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản, theo đó, tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo là nhà cửa, bất động sản vẫn phải đảm bảo các cái điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh theo luật này. Đại biểu cho rằng, việc bán tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng không phải mục tiêu lợi và cũng không sinh lời, chỉ đơn giản là bán để thu hồi khoản vay, nên khôngthuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản; tổ chức tín dụng chỉ có thể thực hiện bán nguyên trạng đối với tài sản đảm bảo tại thời điểm xử lý.

Về Điều 15 quy định công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được nhận, được giao đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần, đại biểu cho rằng chưa đồng bộ với Điều 35 của Luật Đất đai và phù hợp với Nghị quyết 18 của Trung ương. 

Đối với quy định bắt buộc kinh doanh bất động sản phải qua sàn giao dịch, Chính phủ đã giải trình tương đối thuyết phục nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, chi phí qua sàn giao dịch chi phí rất lớn nhưng cần có thống kê cụ thể rõ ràng nội dung này để kiểm soát chi phí qua sàn bất động sản như Chính phủ mong muốn…

15h58: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khắc phục những chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, báo cáo của Bộ Xây dựng về rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến dự thảo luật chưa rà soát các luật liên quan như Luật Phá sản, Luật thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hình sự…

Mặt khác, đại biểu nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ cũng như hồ sơ trình chưa đề cập tới tính tương thích và sự phù hợp của dự thảo luật đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để khắc phục sự chồng chéo, bất cập. 

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết nội hàm của luật. Chương V về chuyển nhượng dự án bất động sản gồm các quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục, quyền và nghĩa vụ.. nhưng phạm vi điều chỉnh chưa đề cập tới chuyển nhượng bất động sản. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào phạm vi điều chỉnh. 

Về điều tiết thị trường chứng khoán, đại biểu cho rằng, các biện pháp, chính sách còn chung chung, chưa đưa ra giải pháp cụ thể cũng như nội dung của chính sách. Đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa các giải pháp chính sách về điều tiết thị trường bất động sản ngay trong dự thảo luật.

16h04:  Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Cần quy định điều kiện để đưa bất động sản vào kinh doanh

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu đồng thuận với những nội dung được đưa ra trong dự án Luật. Đóng góp vào điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ về điều kiện cho các đối tượng này.

Về hợp đồng kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng, cần quy định điều kiện để đưa bất động sản vào kinh doanh như sàn giao dịch bất động sản phải niêm yết thông tin công khai, kiểm tra giấy tờ kinh doanh bất động sản… 

Sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp thông thường, không phải cơ quan quản lý Nhà nước, không phải là chủ thể cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ của Nhà nước. Do đó, việc bắt buộc các chủ thể khác phải sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp thông thường tạo nên sự bất bình đẳng, vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, xung đột với Luật Công chứng. Vì theo Luật công chứng, hoạt động công chứng là việc công chứng nhận tính xác thực hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự. 

Như vậy, với loại hợp đồng mua bán, chuyển đổi bất động sản thì khi thực hiện công chứng hợp đồng, công chứng viên có nghĩa vụ đánh giá tính pháp lý của tài sản giao dịch bao gồm đánh giá tình trạng pháp lý lý dự án, điều kiện để đưa bất động sản vào giao dịch. Nếu không đủ điều kiện giao dịch thì phải từ chối công chứng.

16h10 : Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Giao dịch bất động sản cần được thanh toán qua ngân hàng

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, dự thảo Luật đã cập nhật và khắc phục được những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh bất động sản…

Góp ý vào quy định về thanh toán giao dịch bất động sản, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên quy định phương thức thanh toán dịch bất động sản là phải chuyển khoản qua ngân hàng bởi việc này thực hiện không khó. Việc thanh toán qua ngân hàng trong nền kinh tế đã phổ biến và tiện dụng. Bên cạnh đó, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021- 2025 cũng đã được Chính phủ ban hành, trong có nêu việc sửa đổi các văn bản pháp luật quy định theo hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực có giá trị giao dịch lớn như bất động sản…

Chính phủ và các địa phương cũng đã quy định và thực hiện được việc thanh toán không dùng tiền mặt với phạm vi toàn quốc với việc thu học phí các bậc học phổ thông, thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường, tiền điện, nước sinh hoạt. Do vậy, đại biểu cho rằng, không có lý do gì để giải thích khi không quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản. 

Ngoài ra, quy định thanh toán qua ngân hàng còn là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra. Vì thực tế khi giao dịch bất động sản không qua sàn, tức chỉ có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng viên chứng thực nên vẫn xảy ra rủi ro cho cả hai bên khi có tranh chấp. Vì vậy, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng sẽ là một tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan khi có tranh chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất xảy ra. Đặc biệt, việc quy định thanh toán qua ngân hàng còn góp phần chống thất thu thuế một cách hiệu quả khi giá trị giao dịch bất động sản lớn…

16h13: Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Tránh hạn chế quyền của bên mua, thuê, thuê mua

Cho ý kiến về nghĩa vụ của bên mua nhà ở, công trình xây dựng và kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết Điều 20, khoản 1, điểm a quy định, bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có trách nhiệm thông báo cho bên mua, thuê, thuê mua các hạn chế về quyền sở hữu nhà ở. Đại biểu đề nghị cần quy định nguyên tắc giới hạn phạm vi của việc hạn chế về quyền sở hữu nhà ở để tránh tình trạng lợi dụng quy định này hạn chế quyền của bên mua, thuê, thuê mua.

Về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh, Điều 23 khoản 1 điểm a có quy định, các loại nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này bao gồm Các loại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện giao dịch theo quy định của Luật Nhà ở. 

Đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ các loại nhà nào thuộc đối tượng đưa vào kinh doanh theo hình thức hình thành trong tương lai. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn nữa loại nhà ở nào thuộc nhóm nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại điều này để thống nhất việc thực hiện và áp dụng.

16h20: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Rà roát để bảo đảm đồng bộ Luật Kinh doanh bất động sản với Luật Đất đai và Luật Nhà ở

Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đang được Quốc hội cho ý kiến lần này có xác định một số loại giao dịch nhà đất bắt buộc công chứng thực. Nhưng đến dự thảo Luật kinh doanh bất động sản thì lại quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản được lập thành văn bản. Việc công chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ một số loại giao dịch phải công chứng thực theo khoản 2 Điều 10 của dự thảo. Qua đối chiếu dự thảo Luật cho thấy quy định các giao dịch bắt buộc công chứng, chứng thực được liệt kê tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản lại khác với các giao dịch đã được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị rà soát, chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất khi các luật này.

Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị bỏ quy định của dự thảo Luật quy định về chủ đầu tư dự án bất động sản phải đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn thuộc sở hữu của mình theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng không nên đặt thêm điều kiện đối với chủ đầu tư về năng lực tài chính tại điểm d khoản 1 Điều 10. Ngoài ra, việc đặt thêm điều kiện để đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn thuộc sở hữu của mình là cũng không phù hợp hoặc với Luật Đầu tư và dự thảo Luật Đất đai.

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật về đối tượng là cá nhân nước ngoài được mua công trình xây dựng sẵn có sẵn và hình thành trong tương lai. Đồng thời, quy định điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở công trình xây dựng tương tự như điều kiện đã quy định trong Luật Nhà ở hoặc dự thảo Luật Nhà ở để bảo đảm cho thống nhất. 

Đại biểu Lã Thanh Tân cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu góp ý về nội dung Điều 57 dự thảo Luật quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đại biểu cho rằng, việc quyết định giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản cần phải được phân tích sâu sắc, toàn diện các ưu điểm hạn chế tác động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan, nhất là có liên quan đến các vấn đề đảm bảo công khai, minh bạch giá bán từ chủ đầu tư, giá qua sàn tránh thông đồng, nâng giá ảnh hưởng tới các quyền của người mua. Đặc biệt, việc đưa ra quy định này cần được rà soát với các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động của các phương án đảm bảo tính hợp lý, khả thi và đảm bảo phù hợp.

16h27: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cân nhắc việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn 

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ tán thành với sự cần thiết của dự thảo Luật với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu… 

Đại biểu Phạm Thị Kiều cho biết, Điều 57 của dự thảo luật quy định chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này. 

Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật đặt ra rất nhiều băn khoăn khi bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn. Đại biểu lý giải, quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Điều 119 Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch bất động sản. Không những vậy, dù Điều 57 quy định về các giao dịch phải thông qua sàn giao dịch nhưng lại quy định luôn cả giao dịch thuộc diện khuyến khích thông qua sàn giao dịch bất động sản. Theo đại biểu, đối tượng khuyến khích ở đây hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và làm rõ.

16h31: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu tranh luận

Tranh luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập về giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch, qua môi giới. Trên thế giới, nhiều nước đã có những quy định chặt chẽ đối với sàn giao dịch bất động sản. Do đó, người dân rất yên tâm với việc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch.

Để thị trường bất động sản minh bạch, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản…

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, bất động sản là một cái hàng hóa thì rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì nó lại là một cái hàng hóa rất đặc biệt. Vì vậy, thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi mà cần có một thị trường hoàn chỉnh và chúng ta dù không có quy định về môi giới bất động sản thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian. 

Vì vậy, để minh  bạch thị trường bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án Luật quy định trách nhiệm của môi giới bất động sản phải mang tính pháp lý. Nếu như gặp rủi ro pháp lý, cái người môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

16h35: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm với giá trị thực tiễn cao để hoàn thiện dự thảo luật. Bộ trưởng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ để đảm bảo dự thảo luật đạt chất lượng tốt, nhận được sự đồng thuận cao. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, làm rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh của luật theo hướng bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh bất động sản, phân định rõ hoạt động kinh doanh bất động sản và các giao dịch dân sự không vì mục đích kinh doanh khác. 

Bộ trưởng cũng nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định đồng bộ các nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, giữa các luật có liên quan để đảm bảo việc kinh doanh nhà ở thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản; chính sách phát phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, các giao dịch nhà ở khác thực hiện theo Luật Nhà ở, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo với các luật khác có liên quan.

Về bất động sản đưa vào kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo bao quát các loại bất động sản được đưa vào dự thảo luật.

Về điều kiện với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 10 dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị giữ khoản 2 Điều 10 vì cần bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát đầy đủ các đối tượng kinh doanh bất động sản, trong đó có đối tượng là cá nhân kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị giữ lại các nội dung chính của khoản 3, Điều 10 dự thảo luật, do đây là nội dung được luật hóa quy định tại Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP trong đó có quy định các trường hợp cơ quan tổ chức bán nhà, công trình xây dựng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách, còn việc sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cơ bản không phát sinh mua bán, chuyển nhượng bất động sản.

16h46: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 19 đại biểu phát biểu, có 2 đại biểu tranh luận, còn 20 đại biểu chưa phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký kỳ họp để tổng hợp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giải trình, làm rõ một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bất động sản, quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường vốn, tiền tệ và tín dụng; cơ cấu lại các thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả phát triển đô thị; Các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, cân đối cung cầu, tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai. 

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng về các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật như phạm vi đối tượng, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là liên quan đến Luật Đất đai và Luật Nhà ở đang được nghiên cứu sửa đổi; bố cục và sử dụng từ ngữ trong dự thảo luật, áp dụng pháp luật và các điều cấm; các nguyên tắc kinh doanh bất động sản, quản lý nhà nước trong kinh doanh bất động sản; biện pháp điều tiết của Nhà nước khi có biến động lớn của thị trường; chủ thể điều kiện kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; đặt cọc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản; những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ tài chính, liên quan đến các công cụ điều tiết, liên quan đến giá bất động sản, điều kiện thành lập, nguyên tắc tổ chức, cơ chế hoạt động, nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản; môi giới bất động sản, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân môi giới. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến cũng góp ý về mục đích, nội dung, phạm vi bảo lãnh quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của phiên bảo lãnh, bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh; điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính quy định về đảm bảo an ninh, quốc phòng; quy định liên quan đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức kinh doanh bất động sản, nguyên tắc, điều kiện kinh doanh bất động sản; quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản; xử lý trường hợp nhà đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án hoặc không muốn tiếp tục thực hiện dự án; về hợp đồng kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản, công chức hợp đồng các loại hình bất động sản khác như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, công trình văn phòng làm việc, kết hợp lưu trú nhà phố thương mại; Và đặc biệt liên quan đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hiệu lực thi hành và một số điều khoản chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội