THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP, BẢO ĐẢM NỀN KINH TẾ THÍCH ỨNG VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

28/06/2023

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua các dự án luật quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện có, bảo đảm nền kinh tế phát triển thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Được thông qua tại Kỳ họp, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 08 luật, 17 nghị quyết

Luật gồm 8 chương và 53 điều (giảm 01 điều so với Luật hiện hành) với một số nội dung lớn như:  Mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội, theo đó, bỏ quy định loại trừ của Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Bổ sung quy định về điều kiện đảm bảo giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại; quy định về chứng thư điện tử; quy định đối với các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải chữ ký điện tử; các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...

Luật Hợp tác xã được sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự thống nhất, đầy đủ của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Toàn cảnh phiên họp

Luật gồm 12 chương và 115 điều (tăng 3 chương, 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó tập trung thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; bổ sung quy định về đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển; các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các quy định về tổ chức quản trị, tài sản, tài chính, kiểm toán của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định về nhiệm vụ của tổ chức đại diện, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…

Cùng với đó, Luật Đấu thầu được sửa đổi để kịp thời tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Luật gồm 10 chương, 96 điều (trong đó giữ nguyên số điều như Luật hiện hành nhưng sắp xếp lại kết cấu để giảm 03 chương), với một số điểm mới nổi bật sau: Chỉnh sửa quy định phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy trình, thủ tục, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu; Quy định cụ thể về các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm và giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu; Quy định rõ, minh bạch, cụ thể các trường hợp chỉ định thầu và đấu thầu trong trường hợp đặc biệt; luật hóa những nội dung được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động đấu thầu...

Ngoài ra, Luật Phòng thủ dân sự được ban hành nhằm tạo khung khổ pháp lý chung cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Luật gồm 7 chương và 71 điều với 06 nhóm chính sách, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự; Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

Minh Hùng