CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP THỨ 5 TỪNG BƯỚC HIỆN THỰC HÓA CÁC MỤC TIÊU ĐỀ RA TRONG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Chia sẻ về dư âm của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, thành công của kỳ họp đã góp phần quan trọng vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế. Những vấn đề, quyết sách từ nghị trường có sức lan tỏa mạnh mẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp…
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Phóng viên: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp. Dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế, qua theo dõi hoạt động Quốc hội, ông có nhận định như thế nào về kết quả của kỳ họp lần này?
TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, thể hiện nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Mặc dù diễn ra trong 4 tuần chia làm 02 đợt làm việc nhưng Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Trong đó, các dự án luật, nghị quyết quan trọng, các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội và chuyên đề giám sát trọng yếu đã được các cơ quan của Quốc hội và cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng. Các vị đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, cho ý kiến sổi nổi, xác đáng, rõ nhiệm vụ, rõ giải pháp,… Kỳ họp thứ 5 cho thấy tinh thần chủ động, đồng hành và ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội.
Đặc biệt về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước – nội dung cử tri đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay đã được Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Trên cơ sở thảo luận, phân tích khách quan nhiều góc độ, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội cũng đã cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch… Đây là những quyết sách hết sức kịp thời, phù hợp với bối cảnh hiện nay, là cơ sở để tháo gỡ trực tiếp những nút thắt trong phát triển, tạo động lực tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023..
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã phê duyệt việc thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo đánh giá của ông, chính sách này sẽ có tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?
TS.Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%).
Như vậy, có thể thấy đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, người dân cũng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Do việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Ngoài ra, việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,…
Với tác động như vậy, có thể thấy, đây là một quyết sách rất cần thiết, phù hợp trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. Quốc hội biểu quyết thông qua chính sách này với tỷ lệ tán thành cao cũng hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cử tri và doanh nghiệp.
Phóng viên: Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm ngay trong quý III/2023. Vậy, ông có đánh giá như thế nào về đổi mới này?
TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Sớm đưa các Luật, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống là điều cử tri luôn mong mỏi. Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm ngay trong quý III/2023 thể hiện rõ sự đổi mới, sáng tạo nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội được hiện thực hóa và phát huy hiệu quả.
Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 cũng hoàn toàn phù hợp và cần thiết, thể hiện rõ chức năng giám sát của Quốc hội trong việc triển khai các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Đồng thời, thông qua hội nghị cũng sẽ giúp tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả trong tư duy và hành động, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác thực thi pháp luật nghiêm minh,...
Tôi cũng kỳ vọng và mong muốn các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội thời gian qua, tới đây trong các Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục mở rộng thêm thành phần là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, chuyên môn sâu trong lĩnh vực, nội dung được giám sát để góp phần tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát…/.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!