PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI LÊ THU HÀ TIẾP PHÓ TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC ALISJABANA

03/07/2023

Chiều ngày 03/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã tiếp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) Alisjabana đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI LÊ THU HÀ TIẾP ĐOÀN NỮ NGHỊ SĨ NHẬT BẢN

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà tiếp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) Alisjabana

Vui mừng chào đón Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương Alisjabana tới thăm và làm việc tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm tiếp tục cụ thể hoá và thúc đẩy các dự án và kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Đồng thời khẳng định, Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng luôn đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, là đối tác quan trọng hàng đầu trong đối ngoại đa phương của Việt Nam, luôn quan tâm và đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển vừa qua. Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, đề xuất giải pháp toàn cầu để ứng phó những thách thức chung, trong đó có thách thức về kinh tế - xã hội. 

Phù hợp với chủ trương đó, Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng. Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cảm ơn sự đồng hành và những hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc và ESCAP nói riêng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ESCAP đối với phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi thành lập năm 1947, trong đó có việc thành lập Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB và Uỷ ban Mê Công - tiền thân của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế MRC. Với 62 nước và vùng lãnh thổ, Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà cho rằng, ESCAP sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực, mỗi quốc gia và tất cả người dân.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại chia sẻ, hiện nay, Quốc hội Việt Nam ưu tiên thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước đã đi đến nửa chặng đường thực hiện các SDG nhưng tiến độ thực hiện đang chậm do tác động của một loạt thách thức thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang phải đương đầu như đại dịch COVID-19, xung đột, Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng về lương thực, nước, năng lượng và tài chính…. Trong bối cảnh chung đó, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc được cụ thể hoá trong Kế hoạch hành động quốc gia ban hành năm 2017. Tất cả 17 SDGs đã được lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chính sách ngành, lĩnh vực ở cấp quốc gia và địa phương. Toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội đã nỗ lực thực hiện SDG với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà trao đổi cùng Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) Alisjabana

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã cam kết để đảm bảo khuôn khổ pháp lý nhằm hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Để hai bên tăng cường hiểu biết cũng như sự hợp tác đi vào chiều sâu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho rằng cần thúc đẩy kế hoạch/các dự án hợp tác giữa UNESCAP với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cơ quan đầu mối của Quốc hội về các SDGs nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các SDGs. 

Trước mắt, tập trung nghiên cứu tổ chức các hoạt động trao đổi, hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong vấn đề lập pháp; giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến các SDGs; đồng thời tổ chức hội nghị quốc tế nhằm phát huy vai trò của các cơ quan dân cử trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Cùng với đó, phối hợp với Uỷ ban Đối ngoại xây dựng bộ công cụ hướng dẫn các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao hoạt động giám sát thực thi SDGs trong lĩnh vực chuyên môn. Qua đó tăng cường sự tham gia của người dân đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hỗ trợ kỹ thuật nhằm cập nhật thông tin về kinh nghiệm, thực tiễn của các nước trong việc thực hiện các SDGs cũng như của các nghị viện trên thế giới trong việc giám sát thực hiện các SDGs.

Nhất trí với các đề xuất của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương Alisjabana khẳng định, Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ trong việc kết nối, tham gia, hợp tác của Quốc hội Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển bền vững nhằm nâng cao vai trò của nghị viện trong thực hiện mục tiêu này./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh buổi tiếp

Các đại biểu tham dự buổi tiếp

Vui mừng chào đón Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương Alisjabana tới thăm và làm việc tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm tiếp tục cụ thể hoá và thúc đẩy các dự án và kế hoạch hợp tác giữa hai bên

Đồng thời khẳng định, Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng luôn đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, là đối tác quan trọng hàng đầu trong đối ngoại đa phương của Việt Nam, luôn quan tâm và đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển vừa qua. Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, đề xuất giải pháp toàn cầu để ứng phó những thách thức chung, trong đó có thách thức về kinh tế - xã hội

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương Alisjabana khẳng định, Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới

Đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ trong việc kết nối, tham gia, hợp tác của Quốc hội Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển bền vững nhằm nâng cao vai trò của nghị viện trong thực hiện mục tiêu này

Hai bên trao tặng quà lưu niệm

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương Alisjabana và các đại biểu tham dự

Minh Thành