Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn cùng đại diện một số Bộ ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng. Để góp ý hoàn thiện Đề nghị này, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, VCCI tổ chức Hội thảo với mục đích lấy ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đối tượng chịu tác động trực tiếp khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp). Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...
Dự án Luật cũng điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.
Người tiêu dùng vẫn có thể chuyển sang nước uống chế biến tại chỗ có đường khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường
Trong khôn khổ Hội thảo, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội đã tập trung vào việc phân tích thực trạng sử dụng nước uống có đường, tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại nước uống này.
PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, tiêu thụ các thực phẩm giàu calories, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động. Hiện chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của thừa cân béo phì với nước giải khát có đường.
PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đóng góp ý kiến.
Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calories nhiều nhất trong các thực phẩm. Chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ nước giải khát có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác nên dẫn đến mức tiêu thụ đường từ nước giải khát có đường cao hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác.
Theo PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường (bánh kẹo đều trên 300-400kcal/100g và kem trung bình lần lượt là trên 200 kcal trong khi nước giải khát có đường là 44kcal/100g). Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất nên nếu đánh thuế là các sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calo với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác. Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2018 cũng chỉ ra rằng, so với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Đề cập về nội dung trên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nêu quan điểm: Ở Việt Nam, ngoài nhóm đồ uống công nghiệp còn có sự tồn tại phổ biến của nhóm đồ uống đường phố. Đồ uống đường phố là phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm. Tại Việt Nam, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp là rất lớn, vì vậy nếu như không tiêu thụ các loại đồ uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp có hóa đơn thuế thì người tiêu dùng có thể tìm cách tiêu thụ đồ uống được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu đánh thuế lên nước giải khát có đường thì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường và calo bằng hoặc cao hơn ở các sản phẩm khác. Theo khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng thực hiện năm 2018 của Decision Lab, nếu đánh thuế thì sẽ có 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường, đây là nguồn đồ uống khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường và khả năng thu thuế của cơ quan nhà nước từ các nguồn này là không khả thi. Vậy nên cần phải xem xét tác dụng ngược của hiệu ứng thay thế này.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung Thái Quỳnh Mai Dung đánh giá cao sự đóng góp của đại diện các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cho đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa. Chính vì vậy, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật sẽ là rất kịp thời để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học, có căn cứ, dựa trên đóng góp từ nhiều phía, có sự tính toán đến các đối tượng chịu sự tác động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước và bối cảnh nền kinh tế thế giới. Những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, tiếp thu một cách đầy đủ trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung nêu quan điểm tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online). Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trò chơi này; thay vì áp thuế thì nên có giải pháp quản lý hữu hiệu hơn đối với nội dung của các trò chơi game xuyên biên giới được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cơ quan chức năng trong việc quản lý việc chơi game online của con em, thanh thiếu niên để không bị quá lạm dụng, vượt quá thời gian ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập…
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đồng thời khẳng định, tất cả những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo đều rất thiết thực, đại diện cho quyền lợi, lợi ích của các doanh nghiệp, hiệp hội và là cơ sở để cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính vì vậy, VCCI mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hơn nữa đối với các nội dung của dự án Luật này.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu đánh thuế lên nước giải khát có đường thì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường và calo bằng hoặc cao hơn ở các sản phẩm khác.
TS.Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề cập về tác động kinh tế-xã hội của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với nước giải khát có đường và nước giải khát không cồn.
Ông Nguyễn Thanh Phúc -Giám đốc Đối ngoại cấp cao của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đóng góp ý kiến.
Ông Trần Phương Huy - Giám đốc Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số nêu quan điểm về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các trò chơi trực tuyến.
Bà Nguyễn Thùy Dung- Giám đốc Soha Game.
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNG Games nêu quan điểm tại Hội thảo.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung khẳng định, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa. Chính vì vậy, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật sẽ là rất kịp thời để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học, có căn cứ./.