Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện các yêu cầu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng công trình đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2023 liên quan đến việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 200/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong đó đã giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy… và báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2023.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Tuy nhiên việc rà soát những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình tại QCVN 06:2022/BXD ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 16/01/2023 còn chậm, một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dẫn đến hàng ngàn công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy phải dừng hoạt động và khá nhiều công trình đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Các vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: Đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách PCCC của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.
Ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an và các đơn vị liên quan, tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, rà soát nội dung Quy chuẩn xây dựng để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi; đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy. Cùng vấn đề quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã có quyết nghị về vấn đề này, trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, dù chỉ đạo quyết liệt nhưng các doanh nghiệp vẫn nghẽn, vẫn vướng, chưa thể đưa các công trình vào vận hành.
Chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp khi đã phải đầu tư lớn để nghiệm thu để đưa công trình đi vào hoạt động nhưng vẫn không được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị đại diện các cơ quan thông tin thêm về giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết qua các lần tiếp xúc cử tri, trả lời các thắc mắc, kiến nghị thông qua hệ thống chính quyền và của Quốc hội, Bộ Công an đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp và đã trở thành đơn vị gương mẫu đi đầu để tham mưu cho Chính phủ giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của cử tri, trong đó có giải quyết vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng làm rõ, hiện nay khó khăn nhất là ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, chủ yếu không phải liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an mà chủ yếu là ngành xây dựng, ngành công thương và các ngành kỹ thuật khác. Hiện nay việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn còn rất chậm và bất cập. Nhiều vấn đề đưa vào sử dụng hơn chục năm nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào, chủ yếu là áp dụng ngoại lai các tiêu chuẩn của nước ngoài, nhất là trên lĩnh vực dầu khí, kho bãi, LNG, v.v.., những vấn đề mới này là chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng
Tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà ở cũng liên quan nhiều đến Bộ Xây dựng. Bộ Công án cũng đã làm việc nhiều lần với lãnh đạo Bộ Xây dựng để thúc đẩy, đặc biệt là tập trung nhân lực để xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, hạn chế bớt vấn đề áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài vào trong công việc xây dựng của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, đây không phải vấn đề có thể dễ giải quyết được trong ngày một, ngày hai. Do đó các bộ, ngành hiện đang có phản ứng rất tích cực, vào cuộc sớm để giải quyết các bất cập này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết có một số kiến nghị của doanh nghiệp và người dân cũng chưa thỏa đáng. Doanh nghiệp muốn tối ưu hóa lợi nhuận cho nên muốn hạ thấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, gây ra những tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh những gì mang tính cơ bản phải kiên quyết bảo vệ, do đó, các doanh nghiệp phải quan tâm vào việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm, thoát nạn, nhất là các nhà chung cư cao tầng, các công trình tầng hầm, việc chữa cháy ở trên sông, trên biển, chữa cháy rừng, v.v.. Tuy nhiên đây cũng là những vấn đề rất khó bởi đang thiếu và yếu về giải pháp cũng như phương tiện kỹ thuật, nhân lực, cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế.
Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy, đặc biệt là cháy nhà dân kết hợp với sản xuất, kinh doanh gây thương vong rất lớn. Hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Với trách nhiệm để giải quyết vấn đề này từ trước đến nay, Bộ Công an cũng đang triển khai các biện pháp như vận động người dân mở lối thoát nạn thứ hai, phá dỡ chuồng cọp. Công tác này đang được tích cực triển khai ở các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chính quyền địa phương đã có nhiều hỗ trợ công an, người dân để người dân tự giác mở lối thoát nạn thứ hai, mua các thiết bị như thang dây thoát nạn, bình chữa cháy nhỏ mini, phối hợp với điện lực để kiểm tra an toàn, nhất là an toàn điện sau công tơ và tuyên truyền kỹ năng thoát nạn cho người dân, v.v..
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ, với những biện pháp này, nếu tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, chắc chắn tình trạng này sẽ được hạn chế và đẩy lùi./.