SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG: CẦN QUY ĐỊNH RÕ VỀ TRUNG TÂM DỮ LIỆU, ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY VÀ OTT

14/07/2023

Để phục vụ cho việc tiếp thu giải trình các ý kiến về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), sáng 14/7 tại Trụ sở các cơ quản của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây và Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC PHIÊN HỌP VỀ MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH TRONG DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đồng chủ trì phiên họp. Cùng dự phiên họp có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và một số Bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, đám mây, OTT trong và ngoài nước, các hiệp hội thông tin và truyền thông, các tổ chức trong và ngoài nước.

Đề xuất chính sách quản lý dịch vụ Trung tâm dữ liệu (IDC), dịch vụ Điện toán đám mây và dịch vụ OTT viễn thông

Báo cáo tại phiên họp, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc - thường trực Ban soạn thảo dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cho biết, pháp luật chuyên ngành hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ Trung tâm dữ liệu (IDC) và dịch vụ Điện toán đám mây. Luật Đầu tư quy định dịch vụ trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là các dịch vụ lưu trữ và truy xuất thông tin thông qua mạng viễn thông. Biểu cam kết của Việt Nam về dịch vụ viễn thông trong WTO cũng có đề cập đến loại hình dịch vụ lưu trữ và truy xuất thông tin.

Do đó, cần thiết phải quy định rõ về loại hình dịch vụ Trung tâm dữ liệu, dịch vụ Điện toán đám mây trong Luật Viễn thông (sửa đổi) để làm rõ về phân loại dịch vụ này, các điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện kinh doanh, khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh các dịch vụ này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu khai mạc phiên họp.

Ông Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất chính sách quản lý là: Quản lý về bảo vệ dữ liệu và quản lý mềm (light-touch regulation) đối với dịch vụ Trung tâm dữ liệu, Điện toán đám mây để khuyến khích phát triển.

Về chính sách quản lý dịch vụ OTT viễn thông, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là OTT viễn thông - dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin,...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Trên thế giới, khu vực châu Âu và một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc,... đã quy định dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông. Do đó, cần thiết phải quản lý dịch vụ OTT viễn thông ở mức độ phù hợp trên nguyên tắc các dịch vụ có tính năng tương tự như nhau thì cần quản lý trong cùng một khung pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi người sử dụng, an toàn an ninh.

Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc phát biểu tại phiên họp.

Tạo nền tảng cho phát triển kinh tế

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT và các hiệp hội Thông tin truyền thông cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Tán thành với các nội dung chính sách được đề xuất lần này là tiếp cận quản lý mềm (light-touch regulation), tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT cũng bày tỏ lo ngại điều này có thể gây khó cho doanh nghiệp, trong trường hợp có đưa vào dự thảo luật đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Đồng thời đề xuất nên có một chương riêng trong dự thảo Luật để điều chỉnh 3 dịch vụ mới này.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia trao đổi, chia sẻ về Luật Viễn thông, luật rất quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. “Việc sửa đổi luật nhằm vừa thúc đẩy sự phát triển, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, đáp ứng sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) ghi nhận các ý kiến của các đại biểu. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh, qua các ý kiến về cơ bản đồng ý mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây và Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đồng thời đồng ý với đề xuất chính sách quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông là: Quản lý về bảo vệ dữ liệu và quản lý mềm (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ nêu trên.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, đám mây, OTT trong và ngoài nước, các hiệp hội thông tin và truyền thông dự phiên họp.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn cũng lưu ý việc quản lý 3 dịch vụ này như thế nào cũng cần phải làm rõ trong dự thảo Luật và thống nhất với ý kiến của các đại biểu nên có một chương riêng trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) về 3 dịch vụ Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây và Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

Về nội dung bảo đảm an toàn thông tin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tránh sự trùng lặp, chồng chéo với pháp luật hiện hành.

Theo dự kiến, trong tháng 8/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu giải trình các ý kiến về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm hoàn thiện dự thảo, trình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đồng chủ trì phiên họp.

Đại diện các Ủy ban của Quốc hội dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, để có cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị Chủ trì soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan và đại diện các doanh nghiệp để hoàn thiện dự án Luật.

Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ OTT viễn thông, song một số ý kiến đề nghị, nếu đưa vào điều chỉnh tại dự thảo Luật, cần thể hiện thành chương riêng cho 3 loại hình dịch vụ viễn thông mới này.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên góp ý với dự thảo Luật

Về quản lý Nhà nước với 3 loại hình dịch vụ viễn thông mới, một số ý kiến đề nghị, cần quy định trực tiếp trong dự thảo Luật về áp dụng phương thức quản lý nhẹ (light touch), không hạn chế sở hữu nước ngoài, đưa điều kiện kinh doanh đơn giản với doanh nghiệp trong nước và xuyên biên giới, ít nghĩa vụ hơn với doanh nghiệp viễn thông truyền thống.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn kết luận nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh - Minh Thành