PGS. TS TRƯƠNG HỒ HẢI: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN LẬP PHÁP THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP

17/07/2023

Theo PGS. TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong quá trình tiếp tục đổi mới, Quốc hội cần chú trọng tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị sau giám sát....

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo PGS. TS Trương Hồ Hải, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã thể hiện rõ tư duy mới, đột phá của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhận thức của , về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng sáng tỏ: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.

 Nhận thức đó của Đảng ta cho thấy rõ: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước dựa trên thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, vì con người, công nhận, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Để thực hiện yêu cầu này, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

PGS. TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS Trương Hồ Hải cho rằng, để khẳng định được địa vị pháp lý của mình – “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 69, Hiến pháp năm 2013), Quốc hội cần phải thực hiện tốt chức năng hiến định: “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69, Hiến pháp năm 2013), Quốc hội cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động trong đó đặc biệt chú trọng đến nội dung: Tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp theo hướng chuyên nghiệp; Nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị sau giám sát và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức duanh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;...

Để thực hiện được yêu cầu này, Quốc hội cần chuyển từ mô hình “hoạt động theo kỳ họp” sang hoạt động thường xuyên để kịp thời quyết định những quan trọng của đất nước. Hiện nay, Quốc hội hoạt động theo kỳ họp, một năm họp 2 lần, trừ trường hợp tổ chức kỳ họp bất thường khi “Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, yêu cầu” (khoản 2, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Nghị viện nhiều nước làm việc trên dưới 200 ngày (khoảng 8 đến 10 tháng) trong một năm, vì thế Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ đạo “nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội”; “xây dựng Quốc hội điên tử”.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Trương Hồ Hải cũng cho rằng, để đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp cần phải “tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”. Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội” (Khoản 2, Điều 1). Thực tế trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục gia tăng, tuy nhiên số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nhất là kiêm nhiệm tại các cơ quan ở địa phương vẫn còn cao. Vì thế, trong thời gian tới Quốc hội nghiên cứu giảm tối đa các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, trừ những chức danh buộc phải là đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ đạo “chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”, theo đó, Quốc hội cần định rõ về thời gian mà các cơ quan có thẩm quyền sau khi nhận được kiến nghị của cử tri phải có hồi đáp về kết quả xử lý các kiến nghị đó; Quốc hội cần có quy định về hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là có quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật và giải quyết thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân không;

Quốc hội cần có những quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đế kịp thời thời phát hiện những phát sinh mới để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, quy định rõ về việc phối hợp giữa các cơ quan của cơ quan dân cử và các cơ quan nhà nước khác trong việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu “thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”. Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao trách nhiệm, uy tín của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước Đảng, trước Nhân dân và đất nước, góp phần quan trọng vào kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong.

Ngoài ra, theo PGS. TS Trương Hồ Hải đổi mới cơ chế bầu cử Quốc hội là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó hướng đến xây dựng cơ chế để cử tri lựa chọn đúng người “tài, đức” đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là việc quan trọng, vì thế Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu “Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân”... Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế để đại biểu Quốc hội thực hiện cam kết chính trị (thực hiện lời hứa) đối với cử tri trong quá trình tranh cử./.

Lê Anh