ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN CHƯ PĂH (GIA LAI) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Toàn cảnh cuộc làm việc
Cùng dự về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc củ Quốc hội, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát; Lãnh đạo Vụ Dân tộc cùng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát…
Về phía tỉnh Gia Lai có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; các Phó Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Chư Păh.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ban Chỉ đạo thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đã được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã; công tác quản lý, điều hành chương trình được thực hiện thống nhất, đồng bộ. Nội dung các văn bản quản lý, điều hành đã thể hiện tính phân cấp, phân quyền, nhất là trao quyền cho người dân, tạo được sự công khai, công bằng, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Việc xác định địa bàn, đối tượng thực hiện các chương trình đảm bảo theo các quy định của Trung ương và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh trên 3.838 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh đã phân bổ, giải ngân vốn đạt 82,35% kế hoạch, chủ yếu là vốn sự nghiệp của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 61,83% kế hoạch giao. Đến 30/6/2023 đã giải ngân vốn kéo dài sang năm 2023 là 58,571 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đã giải ngân là 87,346 tỷ đồng (đạt 15,99% kế hoạch).
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các CTMTQG.
Về tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 1.690 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải ngân tổng vốn đầu tư phát triển đạt 6,22% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 5,37% kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG theo tinh thần Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Qua 2 năm triển khai thực hiện các CTMTQG, kinh tế Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,16% so với năm 2021.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 27,29%; công nghiệp-xây dựng chiếm 28,28%; dịch vụ chiếm 40,38%; thuế sản phẩm 4,05%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm còn 10,09%; tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trong 6 tháng đầu năm ước đạt 5,54%, đứng 35 cả nước và đứng thứ hai trong khu vực Tây Nguyên. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển; công tác quan tâm, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội được triển khai thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai nêu rõ, việc triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí nông thôn mới còn nhiều khó khăn; tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước còn chậm; một số địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới; việc triển khai thực hiện dự án cần đảm bảo các quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, thời gian và thủ tục đầu tư kéo dài, làm hạn chế việc triển khai thực hiện chương trình...
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã giải đáp các thắc mắc của thành viên đoàn giám sát liên quan đến từng CTMTQG: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, tiểu dự án, việc phân bổ vốn, quá trình giải ngân, các thủ tục chi... Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiến nghị: Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho các xã Khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg tiếp tục được hưởng chính sách cho Khu vực III sau khi có quyết định hoàn thành xây dựng nông thôn mới; sớm ban hành Bộ tài liệu đào tạo để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn cho người học thuộc đối tượng thụ hưởng từ 30 ngàn đồng/người lên 50 ngàn đồng/người/ngày thực học; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, điều chỉnh bộ công cụ đánh giá, đo lường hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng miền, khu vực...
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Gia Lai trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và đạt được những kết quả bước đầu. Đặc biệt là việc chủ động ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện các chương trình; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo các cấp phù hợp với nhiệm vụ; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Gia Lai trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và đạt được những kết quả bước đầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, 3 CTMTQG có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 Chương trình là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ rất trách nhiệm và nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên để có cách làm căn cơ, đồng bộ, hiệu quả thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị tỉnh Gia Lai rà soát, có ý kiến, kiến nghị cụ thể đối với từng khó khăn, vướng mắc, nêu rõ cơ sở, nguyên nhân và làm thành báo cáo hoàn chỉnh gửi về Đoàn giám sát trước ngày 1/8/2023. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp trình Quốc hội, Chính phủ để tập trung tháo gỡ, có những điều chỉnh cụ thể, cách làm phù hợp sát với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo mục tiêu hài hòa trong thực hiện, nhất quán trong triển khai.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn đồng bộ, tháo gỡ các vướng mắc từ cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các CTMTQG thời gian tới./.