Luật GTĐB năm 2008 bộc lộ một số hạn chế, bất cập
Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, chống lại lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Ùn tắc giao thông phức tạp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện, như: Quy tắc giao thông chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam, không quy định đầy đủ, cụ thể về các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan. Phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng...
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật;...
Xuất phát từ những bất cập, hạn chế nêu trên, dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dự kiến gồm 08 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Nghiên cứu dự thảo Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành với việc sớm xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về an toàn, giao thông đường bộ trong những năm qua.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan đến quy định chung về: Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc trật tự, an toàn giao thông đường bộ ;… Cụ thể:
Về giải thích từ ngữ: Đề nghị Cơ quan soạn thảo giải thích rõ hơn một số khái niệm về: Đường ưu tiên; Tai nạn giao thông đường bộ; Ùn tắc giao thông;...
Về nguyên tắc hoạt động về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Việc quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định cơ quan chịu trách nhiệm chính như dự thảo luật là chưa đầy đủ, chưa hợp lý; thực tiễn cho thấy việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ giao cho cơ quan, mà còn giao cụ thể cho các cá nhân như cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ cảnh sát nhân dân trực tiếp thực hiện tại các địa điểm trên các đường bộ và đã quy định rõ trách nhiệm của những người này phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nơi được phân công. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “cá nhân” vào sau cơ quan tại cuối khoản 2 này và sửa lại như sau: “trong đó có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm chính”.
Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Khoản 7 Điều 6 của dự thảo luật quy định: “Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc thẩm quyền quản lý”.
Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như quy định nêu trên là chưa bao gồm hết mọi đối tượng, như hạ sỹ quan, sỹ quan trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm vào dự thảo luật để bao gồm mọi đối tượng đều được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tạo điều kiện cho họ hiểu, nắm chắc pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm thực hiện tốt, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Tại Chương I (Những quy định chung), đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong điều này cần quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các quyền và đồng thời có các trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc bổ sung Điều này vào Chương I là cần thiết để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được họ phải thực hiện những nhiệm vụ, trách nhiệm như thế nào nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời họ có những quyền gì khi thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm này.
Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm dự thảo luật cụ thể hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành. Đồng thời rà soát chỉnh sửa câu chữ, điều khoản, văn bản chặt chẽ, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật./.