GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ VÀ HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

21/07/2023

Sáng 21/7, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức họp để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội kháo XV. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì cuộc họp.

NHỮNG NHIỆM VỤ MÀ QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC LÀ NHIỆM VỤ DỰ KIẾN CÓ MỨC ĐẦU TƯ LỚN

TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; một số đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Toàn cảnh cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 10 chương, 74 điều. Trong dự án Luật có nội dung về chính sách của Nhà nước về viễn thông (Điều 4), bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin (Điều 5), bảo đảm bí mật thông tin (Điều 6)... Những nội dung này cũng tiếp tục được các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận tại cuộc họp.

Về chính sách của Nhà nước về viễn thông (Điều 4), các đại biểu cho rằng, để tạo thuận lợi hơn trong việc sử dụng hạ tầng mạng viễn thông, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đề nghị bổ sung vào Điều 4 quy định Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp, hợp tác trong hoạt động chia sẻ tài nguyên, các cơ sở hạ tầng dùng chung với các doanh nghiệp viễn thông để phát triển hạ tầng số, phục vụ mục đích bảo đảm an ninh, quốc phòng. Các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với chính sách ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Đối với bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin (Điều 5), các đại biểu cho ý kiến đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 5 là “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân các cấp, doanh nghiệp viễn thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ, phối hợp bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông…”. Bên cạnh đó là đề nghị quy định doanh nghiệp viễn thông phải chấp hành nghiêm, phối hợp và nâng cao trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn cơ sở hạ tầng viễn thông.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung khoản 4 Điều 5 là "Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ viễn thông chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin theo quy định của pháp luật". Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị làm rõ nội dung “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” tại khoản 6 Điều 5 là cấp có thẩm quyền nào. Theo đó, yêu cầu cụ thể về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được thực hiện trong điều kiện một số tình huống, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp, bạo động...

Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào vấn đề Kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo đó, trong thực tiễn quản lý viễn thông khi các đơn vị sự nghiệp về quốc phòng, an ninh, không phải là doanh nghiệp viễn thông thì có quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông cần được chia sẻ. Do đó, trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông bao gồm cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bên cạnh đối tượng là các doanh nghiệp viễn thông tại Điều 48.

Đại tá Vũ Ngọc Khương – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Các đại biểu cũng cho rằng, quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, sẽ vướng mắc với những nhiệm vụ liên quan đến vấn đề cấp bách, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, bên cạnh việc thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên thì phải ưu tiên miễn phí đối với các trường hợp cấp bách, các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đề nghị quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc xây dựng, quản lý hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Song song với đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc, bổ sung cơ quan quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Về bảo đảm bí mật thông tin, đại diện Bộ Công an đề nghị cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp liên quan đến tình trạng tin nhắn rác, phần mềm cung cấp làm lộ thông tin cá nhân, điện thoại lừa đảo. Ngoài ra, đại diện Bộ Công an cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định rõ trong luật là các doanh nghiệp viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp số điện thoại, thông tin, dữ liệu của người dân cho Bộ để dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin. Điều này cũng là góp phần quản lý tin nhắn “rác”, thông tin không được kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Đặc biệt, Bộ Công an cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung quy định doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp nhanh chóng thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ công tác điều tra các vụ việc.

Mặt khác, cũng có đại biểu cho rằng, cần quy định rõ trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải có hình thức thông báo và được sự đồng thuận của khách hàng về các thông tin sẽ được trao đổi, cung cấp cho đơn vị khác. Ngoài ra, đề nghị quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để tránh tình trạng lạm quyền.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh về sự cần thiết của việc chia sẻ hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đảm bảo an toàn thông tin của người dân trong việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này sao cho đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia. Tất cả những ý kiến sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan