GIÁM SÁT ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG: SỐ LƯỢNG GIÁO VIÊN CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC ĐỊNH MỨC

22/07/2023

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA CÁC BỘ: TÀI CHÍNH, NỘI VỤ, KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Triển khai đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được thành lập theo Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn đã hoàn thành cơ bản các nội dung, công việc chủ yếu theo Kế hoạch đã ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, tới đây, Đoàn giám sát sẽ tổ chức phiên họp toàn thể làm việc với Chính phủ và tổ chức phiên họp giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn 18 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ; 19 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 2 văn bản chưa phù hợp với nội dung của văn bản cấp trên; 7 văn bản chưa phù hợp về mặt thể thức.

Toàn cảnh Phiên họp

Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát, toàn diện, hiệu quả chưa cao, nhiều sai phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của quyết định 404/QĐ-TTg, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp. Quy định về môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề 

Việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức các môn học, hoạt động giáo dục mới chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng và thực hiện giảng dạy theo các tổ hợp tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

Việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao do điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức

Việc đổi mới thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhận thức, thói quen của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chậm thay đổi. Năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp giáo dục, đánh giá mới của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Hệ thống quy định về thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Quy định và hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học, đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh phương pháp dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá đối với lớp 10 năm học 2022-2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở, thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên Môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới. Chất lượng giáo viên không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có biểu hiện hình thức, thời gian tổ chức gấp, hiệu quả chưa cao; chất lượng tập huấn trực tuyến không cao. Năm 2022, cả nước có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn (52.934 phòng học), tỷ lệ kiên cố hoá cấp tiểu học mới đạt 82%; tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Số lượng phòng học còn thiếu nhiều, nhất là ở các khu vực đô thị, địa bàn có đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học bộ môn, thư viện và các điều kiện cơ sở vật chất khác. Tổng số phòng học bộ môn cả nước còn thiếu là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học Tin học và 5.517 phòng học Ngoại ngữ. Quy mô, chất lượng thư viện của các cơ sở giáo dục không đồng đều; còn thiếu 2.086 thư viện cho các trường phổ thông. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Số lượng bộ thiết bị giáo dục cần bổ sung lớn (166.195 bộ), trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm. Thiết bị chuyên dùng tại các phòng học bộ môn Ngoại ngữ, Tin học còn thiếu; nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu.

Hồ Hương