SỬA ĐỔI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT NHẰM HOÀN THIỆN CƠ CHẾ VẬN HÀNH THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ ĐIỆN

24/07/2023

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Tuệ Quang, giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, đảm bảo ngành điện hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo công tác đầu tư phát triển điện lực được liên tục và hiệu quả với quan điểm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

DOANH NGHIỆP KIẾN NGHỊ ÁP DỤNG THỊ TRƯỜNG BÁN BUÔN ĐIỆN VIỆT NAM CẠNH TRANH

Sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Trong khuôn khổ các hoạt động giám sát của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Tuệ Quang đã chia sẻ một số thông tin về hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam.

Năng lượng là nền tảng của nền kinh tế công nghiệp hiện đại, nó cung cấp một thành phần thiết yếu cho hầu hết các hoạt động của con người như: cung cấp các dịch vụ để nấu ăn, sưởi ấm, làm mát không gian/nước; chiếu sáng; y tế; sản xuất và lưu trữ thực phẩm; giáo dục; khai thác khoáng sản; sản xuất công nghiệp và vận chuyển,... Trong đó, điện là loại hình năng lượng quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Tuệ Quang chia sẻ việc thực hiện chính sách, pháp luật về giá điện và thị trường điện.

Thời gian qua, vấn đề cung ứng điện nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri, Nhân dân, đại biểu Quốc hội. Chia sẻ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, việc phân cấp phân quyền trong ban hành chính sách giá điện đã được quy định và thực hiện thống nhất trong triển khai thi hành. Thheo đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương từng bước quyết định điều chỉnh cơ chế, chính sách định giá điện một cách hợp lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của khách hàng sử dụng điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện cho phát triển KTXH của đất nước.

Về giá bán lẻ điện và cơ chế điều chỉnh giá điện,Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Bộ Công Thương đã ban hành 02 thông tư hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng, mua bán công suất phản kháng.

Về cơ bản các chi phí cấu thành nên giá điện được tính đúng và giá điện được điều chỉnh theo biến động của thị trường, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô chung của đất nước. Từ khi cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường được ban hành, giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh không những đảm bảo tình hình tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư, vận hành hệ thống điện mà còn đảm bảo tình hình tài chính cho các nhà đầu tư nguồn điện ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Việc thực hiện điều chỉnh giá điện cũng ngày càng minh bạch hơn, thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế vĩ mô.”

Về các loại giá điện và phí khác, ông Trần Tuệ Quang nêu rõ, các quy định hướng dẫn về phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực đã được ban hành. Như vậy, việc xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giá điện cũng như các quy định khác có liên quan là cơ sở pháp lý để thực hiện được chính sách giá điện theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch trong giá điện các khâu, đáp ứng yêu cầu về giá điện trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Tuệ Quang 

Ông Trần Tuệ Quang cũng cho rằng, mặc dù hệ thống pháp luật lĩnh vực về giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và năm 2018) và các văn bản hướng dẫn trong hơn 15 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có việc luật hóa việc điều hành giá điện.

Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã quy định cụ thể về các cơ chế điều chỉnh giá điện. Mặt khác, do điện là 1 loại hàng hóa nhạy cảm, sự thay đổi về giá điện có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân cũng như sản xuất của doanh nghiệp nên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Việc quyết định điều chỉnh giá điện được cân nhắc trên cơ sở đánh giá chung về lạm phát cũng như ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, với một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần nghiên cứu luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là “quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương, giá cả” (khoản 3 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ) và phù hợp với thực tiễn điều hành giá điện các năm qua.

Sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản có liên quan để hoàn thiện cơ chế cho vận hành thị trường bán lẻ điện.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Tuệ Quang cũng nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển thị trường điện là một trong các chính sách quan trọng để phát triển ngành điện, được quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Luật Điện lực và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được hình thành và phát triển theo các cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Việc vận hành thị trường điện sau hơn 11 năm đã mang lại một số kết quả tích cực, đó là quá trình huy động các nhà máy điện tham gia thị trường được đảm bảo công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử thông qua việc chào giá của các đơn vị phát điện đã tạo sự cạnh tranh lớn trong khâu phát điện; đồng thời góp phần tối ưu hóa chi phí toàn hệ thống điện. Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao độ tin cậy, độ sẵn sàng và hiệu quả chung của toàn hệ thống điện.

Ông Trần Tuệ Quang cho rằng cần đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện

Việc tính toán giá điện trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh đến từng chu kỳ giao dịch 30 phút là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa thành phần giá phát điện trong tổng cơ cấu giá thành đến khách hàng tiêu thụ cuối cùng. Các Tổng công ty điện lực tham gia thị trường điện đã từng bước xóa bỏ tình trạng độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong khâu mua buôn điện từ các nhà máy điện.

Tuy vậy, ông Trần Tuệ Quang cũng nêu một số khó khăn, thách thức khi vận hành thị trường điện, như tái cơ cấu các khâu trong ngành điện chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt tiến độ đề ra; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện vẫn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp; Tốc độ tăng trưởng phụ tải luôn ở mức cao; Tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong các năm gần đây là thách thức cho công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện; Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện…

Để tiếp tục hoàn thiện thị trường điện, ông Trần Tuệ Quang kiến nghị tiếp tục hoàn thành sớm công tác chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV hạch toán độc lập với EVN và chuyển về Bộ Công Thương; Tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị phát điện; Tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ của các Tổng Công ty điện lực.

Đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện. Triển khai thực hiện các giải pháp tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản có liên quan để hoàn thiện cơ chế cho vận hành thị trường bán lẻ điện. Trong đó có cơ chế giá bán lẻ điện theo vùng miền, cơ chế cho phép từng đơn vị bán lẻ điện có quyền quyết định giá bán lẻ. Đây là cơ chế quan trọng nhất để đảm bảo cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh triển khai hoạt động và cũng là yếu tố quan trọng cho việc hình thành các đơn vị bán lẻ điện mới để tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ điện.

Lan Hương

Các bài viết khác