GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY: LÀM RÕ GIẢI PHÁP “4 TẠI CHỖ” CỦA TỪNG BỘ NGÀNH
Triển khai chương trình giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”, vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh buổi làm việc với các Bộ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14
PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy nổ đang hết sức phức tạp, hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Ban chỉ đạo PCCC của Bộ Thông tin và Truyền thông được củng cố từ Bộ đến cơ sở nhằm tăng cường công tác PCCC và chủ động giải quyết nếu có các vụ cháy, nổ xảy ra bằng lực lượng tại chỗ. Các đơn vị được trang bị thiết bị PCCC, người lao động được cung cấp kiến thức PCCC theo đúng quy định. Lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện đúng quy trình, việc kiểm tra về công tác PCCC được duy trì thường xuyên. Hằng năm, Ban chỉ đạo PCCC các cấp đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật PCCC bằng nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn, huấn luyện, tọa đàm, thi tìm hiểu...
Các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian qua đã chấp hành nghiêm các quy định của Luật PCCC, các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC nên không để xảy ra vụ cháy, nổ lớn nào làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 tại Bộ.
Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/20219/QH14 tại Bộ Thông tin và Truyền thông
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 17/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác phòng chống cháy nổ và tuyên truyền phổ biến về phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ phổ biến, quán triệt triển khai các văn bản chỉ đạo Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về công tác PCCC. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, tích cực và chủ động các quy định về Phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn cho 100% tài sản, cơ sở quản lý phòng cháy trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, 100% các cơ quan, đơn vị có cơ sở quản lý phòng cháy trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông không để xảy ra cháy nổ trong giai đoạn 2020-2022. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị PCCC và chi thường xuyên công tác PCCC được quan tâm đúng mức. 100% các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đều đã tổ chức lực lượng PCCC theo đúng quy định.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng các thành viên Đoàn Giám sát tham dự Phiên họp.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, 63/63 Sở Thông tin và Truyền thông đều có chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã trên toàn quốc về PCCC và CNCH
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề thông tin, tuyên truyền về PCCC trên cả 4 loại hình (báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử); tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng việc triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan công tác PCCC.
Trong các buổi giao ban báo chí định kỳ tại Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, quán triệt các cơ quan báo chí bám sát thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, trong đó bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy; các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống cháy nổ ở khu dân cư, nơi công cộng và khu vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống cháy nổ; các biện pháp, giải pháp phòng ngừa cháy nổ và biện pháp PCCC phù hợp với từng loại hình báo chí…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu tại phiên họp.
Làm rõ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ về PCCC
Đánh giá cao báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh, Báo cáo đã gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ phụ trách liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, có các số liệu cụ thể, gắn với chức năng quản lý của ngành và đã triển khai các công việc cụ thể và có kinh phí cụ thể cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp tốt với Bộ Công an trong việc nhắn tin cho người dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đợt cao điểm về PCCC, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng, trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội, hiện mới chỉ có hơn 526.000 chương trình phát thanh, hơn 587.000 chương trình truyền hình ở các địa phương, lượng tin bài về PCCC vẫn chưa đảm bảo sự thường xuyên, liên tục.
Hiện mới có gần 62.000 tin bài trên các phương tiện báo chí truyền thông, trong khi số lượng các cơ quan báo chí và Bộ đang quản lý rất lớn. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Bộ Thông tin truyền thông báo cáo thêm số liệu về số lượng tin bài chủ động phát trên các phương tiện truyền thông cho thấy giá trị tuyên truyền về công tác PCCC, đồng thời cần làm rõ thêm về việc lựa chọn khung giờ phát tin bài về PCCC. Qua đó cho thấy sự chủ động, có kế hoạch và chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền sâu rộng về công tác PCCC.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng, Báo cáo chưa thể hiện được nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến liên quan đến công tác PCCC…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Minh Đức kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Minh Đức đề nghị các Bộ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung các nội dung còn thiếu vào Báo cáo, thực hiện nghiêm túc các quy định PCCC, bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn giám sát. Đồng thời đề nghị Báo cáo cần bổ sung, làm rõ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến bộ ngành mình phụ trách trong công tác PCCC, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể cho những vướng mắc này.