Toàn cảnh cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc về phía Quốc hội có: các Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường- Phó trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát là thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.
Về phía cơ quan báo cáo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn và doanh nghiệp; đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vì đây là 2 cơ quan có vai trò quan trọng đối với giám sát chuyên đề của UBTVQH “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Kết quả của Đoàn giám sát chính là báo cáo của Đoàn và đặc biệt là Nghị quyết trình UBTVQH thì cần được quan tâm, lưu ý đến kết luận của mỗi cuộc làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn giám sát cũng như các báo cáo, tài liệu gửi Đoàn giám sát đầy đủ. Qua nghiên cứu báo cáo bổ sung, các báo cáo đã gửi và qua thực tiễn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị đánh giá một số nội dung trọng tâm:
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Đối với Thanh tra Chính phủ, cần lưu ý 4 nội dung:
- Đánh giá việc ban hành thực hiện chính sách, pháp luật nói chung về phát triển năng lượng theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
- Công tác thanh tra, kết quả thực hiện kết luận thanh tra trong lĩnh vực năng lượng tập trung vào 2 lĩnh vực: điện và xăng dầu, khí.
- Công tác thanh tra thực hiện tại một số cơ quan trong thời gian vừa qua như Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí…
-Thanh tra một số dự án và công trình cụ thể trong phát triển năng lượng.
Đối với Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần tập trung vào các vấn đề sau:
- Đánh giá việc ban hành thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
- Kết quả kiểm toán, thực hiện các kiến nghị của kiểm toán đối với một số dự án phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ; thực hiện chính sách pháp luật (như thuế đất đai, môi trường…), chính sách giá mua bán điện, thị trường phát triển điện lực; Kết quả kiểm toán các bộ ngành như Bộ Công thương, các bộ ngành, địa phương…
- Kết quả kiểm toán đối với các Tập đoàn cụ thể như Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản, Xăng dầu…
- Kết quả kiểm toán đối với các công trình, dự án cụ thể, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Với mỗi vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các cơ quan tập trung vào việc đánh giá, làm rõ: Kết quả nổi bật đã đạt được; Tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân (khách quan, chủ quan); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là của người đứng đầu; việc xử lý trách nhiệm; Giải pháp và đề xuất, kiến nghị.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, kết quả giám sát cần lưu ý đến 2 nội dung mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm Danh mục các văn bản quy phạm pháp luạt cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung; Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả và kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021; sau đó các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu sẽ có ý kiến trao đổi, thảo luận, nêu câu hỏi.
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, ghi nhận sự chuẩn bị báo cáo, gửi báo cáo bổ sung và các tài liệu cho Đoàn giám sát được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo yêu của của Đoàn, nhất là báo cáo của Kiểm toán nhà nước rất cụ thể, chi tiết.
Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị đánh giá sâu sắc hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ, rà soát lại toàn bộ kiến nghị, kết luận, cần nhấn mạnh thêm kết quả khắc phục các kết luận thanh tra và kiến nghị của kiểm toán. Đồng thời cần cập nhật thêm thông tin sát với tình hình thực tiễn, cập nhật thông tin của các bộ ngành, địa phương.
Đối với các kiến nghị, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị các giải pháp, kiến nghị phải rất cụ thể để tháo gỡ tình hình (như về điện, an ninh xăng dầu…). đề nghị Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ có những kiến nghị trước mắt và cụ thể thể hiện trong Báo cáo.
Đồng thời làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan, khách quan, kèm theo báo cáo bổ sung Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay đổi; Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
Các ý kiến cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ quan tâm thêm nội dung liên quan đến: cơ chế tài chính, cơ chế giá mua bán điện, giá truyền tải điện (cân đối giữa nguồn và lưới); cân đối tài chính của EVN; quản lý quy hoạch…; các nội dung về năng lượng gắn với các chính sách giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…; quan tâm đến khảo sát, lập, thẩm định, nghiệm thu các dự án về năng lượng; quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo…
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị lưu ý các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt nhấn mạnh việc công khai minh bạch thông tin cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định hai cơ quan đã rất trách nhiệm trong việc xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát, đã bổ sung thông tin khi Đoàn có yêu cầu thêm, qua đó giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin và chuẩn bị Nghị quyết của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Trong kỳ giám sát, hai cơ quan đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong thanh tra, kiểm toán để đảm bảo các quy định pháp luật, đảm bảo kỷ cương phép nước.
Báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Nhấn mạnh các kiến nghị, đề xuất của KTNN rất cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là nội dung cần thiết và quan trọng để giúp UBTVQH xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế. Nội dung báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được chuẩn bị kỹ lưỡng, là chất liệu rất tốt để giúp Đoàn giám sát báo cáo UBTVQH và chuẩn bị Nghị quyết của Đoàn giám sát.
Để giải quyết căn cơ những bất cập hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ của TTCP và KTNN, cần tiếp tục đảm bảo kỷ luật kỷ cương trong thực thi pháp luật và trong thúc đẩy phát triển năng lượng.
Cho rằng TTCP và KTNN đã chỉ ra hạn chế nhưng chưa sâu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu vấn đề về giá điện, công khai minh bạch để báo chí, cử tri hiểu hơn nhằm tránh tình trạng suy diễn.
Trong thực thi pháp luật về phát triển năng lượng ở các địa phương, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần giải thích sâu hơn những bất cập, vi phạm, cần chỉ ra địa chỉ, người vi phạm để tạo kỷ cương trong thực thi pháp luật.
Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, hiện các nhận định từ báo cáo kết quả kiểm toán và Thanh tra Chính phủ đã được thực hiện từ rất lâu, đặc biệt quy hoạch điện VIII đã được ban hành, đề nghị trong nhận đinh, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cần cập nhật nội dung này và rà soát lại với những chính sách, pháp luật liên quan.
Cho rằng Báo cáo kiểm toán chuyên đề về giá bán điện năm 2014-2016 quá cũ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, thực tế hiện nay đã bổ sung nhiều nguồn năng lượng mới như năng lượng tái tạo: điện gió, khí…, do đó đề nghị cần cập nhật thêm thông tin, số liệu giá điện trong giai đoạn hiện nay để cụ thể và rõ nét hơn.
Trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra nhiều nội dung về phát triển năng lượng, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy, việc thanh tra các tỉnh báo cáo nét chính những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng đưa vào báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì hiện chưa có. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn mong muốn Thanh tra Chính phủ cập nhật nội dung này vào Báo cáo để giúp cho Đoàn giám sát nhận định, đánh giá.
Từ các ý kiến của Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã giải trình, làm rõ các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH phát biểu kết luận cuộc làm việc.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phục vụ cuộc làm việc này. Các báo cáo đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng làm cơ sở cho Đoàn xây dựng báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết trình UBTVQH.
Việc tham gia tích cực của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động của Đoàn giám sát là một trong những nội dung đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội; kết quả kiểm toán và kết quả thanh tra cung cấp những bằng chứng tin cậy về kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng; là căn cứ quan trọng để Đoàn Giám sát xây dựng Báo cáo và Nghị quyết về giám sát năng lượng.
Đoàn giám sát ghi nhận và biểu dương sự tham gia tích cực của 2 cơ quan vào hoạt động giám sát của Quốc hội; đặc biệt là Kiểm toán nhà nước ngoài cung cấp thông tin, các báo cáo, Kiểm toán nhà nước còn cử người tham gia tích cực vào các Đoàn giám sát tại các bộ, ngành và địa phương, đóng góp nhiều ý kiến.
Qua các báo cáo cho thấy, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ; kết quả thanh tra, kiểm toán ngoài việc ghi nhận các kết quả đạt được cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, sai phạm trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, kiến nghị xử lý tài chính, đất đai, xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực năng lượng, góp phần phát triển năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước và an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần thống kê Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới (tên văn bản; nội dung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; lý do sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; thời hạn thực hiện, cơ quan chủ trì), Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm (nếu có).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các báo cáo chủ yếu nêu kết quả kiểm toán, thanh tra về tài chính tại các tập đoàn, tổng công ty, các dự án năng lượng, chưa đề cập nhiều đến vướng mắc của các quy định pháp luật trong lĩnh vực năng lượng, những bất cập về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, nguyên nhân dẫn đến các bất cập, hạn chế nhất là báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 2 cơ quan tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, rà soát lại các báo cáo để bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn, có báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trước ngày 03/8/2023.
Đặc biệt lưu ý bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển năng lượng đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với những hạn chế, bất cập, vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán nhất là các địa phương có những vấn đề nổi cộm về phát triển năng lượng thời gian qua và 03 tập đoàn EVN, PVN, TKV…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần thống kê Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới (tên văn bản; nội dung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; lý do sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; thời hạn thực hiện, cơ quan chủ trì), Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm (nếu có). Đồng thời đề nghị Tổ giúp việc và Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Toàn cảnh cuộc làm việc
Đại diện Tổng Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ
Thành viên Đoàn giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc cuộc làm việc.
Đại diện các bộ ngành tham dự cuộc làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Kiểm toán nhà nước về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy giải trình, làm rõ vấn đề Đoàn giám sát nêu.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu vấn đề về giá điện, công khai minh bạch với báo chí, cử tri hiểu hơn nhằm tránh tình trạng suy diễn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng, đối với các dự án phát triển năng lượng đã chỉ ra rõ nhưng các dự án vẫn chậm, bày tỏ băn khoăn không rõ trách nhiệm thuộc về ai? Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ có văn bản đôn đốc và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền hay không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại cuộc làm việc
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Báo cáo kiểm toán cần cập nhật thêm thông tin giá điện trong giai đoạn hiện nay để báo cáo cụ thể và rõ nét hơn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn giải trình, làm rõ vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.