TIẾP TỤC GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

28/07/2023

Sáng 28.7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoàn thiện Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) - CÂN NHẮC BỎ PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ TRONG ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Tham dự có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Tài chính – Ngân sách; đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức phát triển quỹ đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; giá đất; đất sử dụng cho khu kinh tế và giá đất.

Liên quan đến điều 17  về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu đồng tình với chỉnh sửa theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số: quy định rõ về chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho ĐBDTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu. Quy định về chỉnh sửa quy định tại Điều 49 về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện.

Theo đó, ĐBDTTS được giao đất, cho thuê đất lần 2 và được tặng cho người thuộc hàng thừa kế và để thừa kế; trường hợp chuyển khỏi địa bàn đang sinh sống thì được thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất cho cá nhân khác là ĐBDTTS, Có quyền để lại cho thành viên trong hộ gia đình tiếp tục sử dụng đất sản xuất được giao, cho thuê. Trường hợp người được tiếp tục sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi đất để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là ĐBDTTS; Không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất đối với các trường hợp khác ngoài 2 trường hợp nêu trên. Bổ sung tương ứng điểm e khoản 2 Điều 12 về nội dung cấm hành vi này, Không được thế chấp quyền sử dụng đất trừ trường hợp thế chấp tại ngân hàng chính sách xã hội.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Tuy nhiên các đại biểu còn băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số do Nhà nước quản lý mà chưa sử dụng và đất thu hồi từ dự án quy định tại điểm m khoản 3 Điều 79. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn nếu giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền giao đất là chưa phù hợp, bởi hiện nay, đất có nguồn gốc nông lâm trường rất phức tạp và khó thu hồi do vướng thủ tục pháp lý, nên giao thẩm quyền cho cấp tỉnh là rất khó thực hiện, dẫn đến việc đồng bào khó có rất sản xuất theo đúng chủ trương. Vì vậy thẩm quyền này nên quy định thuộc Chính phủ và cần đưa đất hỗ trợ cho đồng bào phải có chính sách quản lý đặc biệt

Liên quan đến Điều 127 về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, việc thỏa thuận là rất cần thiết nhưng nếu không quy định chặt chẽ thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng trong một dự án có các mức thỏa thuận cao thấp khác nhau, tạo nên sự không công bằng ngay trong một dự án. Do đó cần có quy định để các nhà đầu tư thỏa thuận trên một nền tảng cơ bản, bảo đảm sự thống nhất.

Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, dự thảo Luật quy định mở rộng thời hạn xem xét việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ ngày 15.10.1993 đến ngày 1.7.2014 so với thời hạn theo quy định của Luật đất đai năm 2013 là đến ngày 1.7.2004 (Điều 138). Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy chưa có sức thuyết phục. Bởi trong thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất nhưng chính quyền không cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do những vướng mắc về quy định pháp luật. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng các địa phương rà soát nếu khu đất đó phù hợp điều kiện và quy hoạch của địa phương thì có thể xem xét cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình; nếu không phù hợp hoặc vi phạm thì thu hồi và có biện pháp xử lý. Các đại biểu cũng bày tỏ tán thành với sự cần thiết, nguyên tắc phân bổ và việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất tại các quy hoạch sử dụng đất (Điều 65, Điều 66 và Điều 249), đặc biệt là với các chỉ tiêu liên quan đến đất lúa, các loại đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho rằng, các chỉ tiêu này là rất thiết thực, hoàn toàn xác định được ở tầm vĩ mô và triển khai tổ chức thực hiện được ở các địa phương.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Về giá đất, các đại biểu đồng tình với ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH và chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 158 vì không rõ ràng về mặt pháp lý; quy định tại các điều, khoản tại Mục 2 Chương XI về căn cứ xác định, thông tin đầu vào, phương pháp xác định giá đất đã thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Bổ sung quy định rõ nội hàm các phương pháp xác định giá đất và trường hợp áp dụng phương pháp cụ thể; Bỏ phương pháp chiết trừ vì đây thực chất là một trường hợp đặc biệt của phương pháp so sánh trực tiếp; Chỉnh sửa, bỏ quy định về bảng giá đất được áp dụng để tính giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Với 2 đề xuất điều chỉnh giá đất, một là bỏ phương pháp thặng dư trong định gíá đất và phương án 2 là vẫn giữ lại phương pháp thặng dư, nhưng ràng buộc điều kiện phải sử dụng cùng với ít nhất 01 phương pháp khác để có sự so sánh và sẽ chọn phương pháp nào mà kết quả xác định tiền sử dụng đất cao hơn tại thời điểm so sánh. Các đại biểu nghiêng về phương án cần giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất, còn có quan điểm cho rằng nên chỉ quy định 1 phương pháp định gía để đồng nhất giá đất thay vì nhiều phương pháp như hiện nay.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã làm rõ thêm các nội dung được đại biểu đặt ra; khẳng định, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Đồng thời khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tháng 8.

 

Chùm ảnh tại Hội thảo

 

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế (trình bày báo cáo)

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đại biểu Thành phố Hà Nội

Đại biểuTrần Thị Vân, Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội  Quốc hội 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

 

Hải Yến - Minh Hùng