CẢI TIẾN BIỂU GIÁ ĐIỆN PHÙ HỢP VỚI QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐIỆN THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

03/08/2023

Góp ý hoàn thiện cơ chế quản lý giá điện và cung ứng điện cho nền kinh tế, một số chuyên gia kiến nghị: Cần cải tiến biểu giá điện về cách tiếp cận, tính toán và lộ trình thực hiện phù hợp với quá trình chuyển dịch năng lượng điện theo Quy hoạch Điện VIII cho đến khi hoàn chỉnh cấp độ thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

CHUYÊN GIA KHUYẾN NGHỊ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM

Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý giá, cung ứng điện cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là một trong những nội dung giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế quan tâm góp ý kiến tại các buổi hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học do Đoàn giám sát tổ chức.

TS. Trần Thanh Liễn, Viện Năng lượng và Môi trường, Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam đánh giá, mục tiêu cải cách ngành năng lượng trong đó có ngành điện thực tế đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây mục tiêu chủ yếu tập trung vào hiệu quả kinh tế thì hiện nay nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều hướng đến đồng thời 3 mục tiêu: Hiệu quả kinh tế; An ninh cung cấp năng lượng và Phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt, mục tiêu phát triển năng lượng bền vững được chú trọng khi nhiều nước trên thế giới và Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc giảm phát thải và phi các bon hóa. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách quản lý giá và cung ứng điện cho nền kinh tế hài hòa, ổn định và bền vững.

Chuyên gia cho rằng, cần cải tiến biểu giá điện về cách tiếp cận, tính toán và lộ trình thực hiện phù hợp với quá trình chuyển dịch năng lượng điện theo Quy hoạch Điện VIII.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan, giá điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong đó, Nhà nước xác định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; Nhà nước định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, hàng năm Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Còn đối với giá bán lẻ điện, Thủ tướng đã phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện với các đơn vị phát điện đều phải đáp ứng trong khung giá phát điện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, giá mua điện thay đổi theo giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là giá than, gas, dầu... và yếu tố thị trường điện.

Còn về bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hầu như không thay đổi trong hơn 10 năm qua. Căn cứ giá bán lẻ điện bình quân năm, quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Bộ công thương xác định hệ số, qua đó, xác định giá bán cho từng đối tượng cụ thể.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thực tế hơn 10 năm qua cho thấy, có sự bù chéo phổ biến trong giá bán lẻ điện giữa các nhóm hộ tiêu dùng điện và trong nội bộ từng nhóm. Ví dụ, trong nhóm điện sinh hoạt, thì nhóm tiêu dùng nhiều điện bù cho nhóm tiêu dùng ít điện; giữa các nhóm, thì nhóm tiêu dùng sinh hoạt và nhóm kinh doanh phải trả giá cao hơn và nhóm các ngành sản xuất thường phải trả mức giá thấp hơn.

Đến năm 2019, hàng năm EVN đã được Chính phủ, các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá bán lẻ bình quân trong khung giá quy định. Tuy vậy, từ năm 2019, trước áp lực của lạm phát gia tăng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân, EVN đã không được phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân nói trên.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cơ chế quản lý giá điện hiện nay có một số mặt được và không được. Trong đó, với cơ chế này sẽ dễ thực hiện quản lý nhà nước; giữ được giá điện ổn định ở mức khá thấp, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; không có biến động lớn có thể tác động bất lợi đến nhóm người thu nhập thấp… đảm bảo quyền tiếp cận điện đối với nhóm người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…

TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị một số giải pháp trong ngắn hạn nhằm quản lý giá và cung ứng điện cho nền kinh tế tốt hơn. 

Tuy nhiên, những bất cập của cơ chế quản lý giá điện hiện nay là nếu tính đúng, tính đủ theo giá thị trường, giá điện có thể cao hơn mức người tiêu dùng phải trả như hiên nay; có sự không công bằng trong tiêu thụ điện do thực hiện chính sách bù chéo trọng nội bộ nhóm, giữa các nhóm hộ dùng điện và giữa các vùng miền khác nhau; giá điện chưa tính đúng, tính đủ chi phí; cơ chế này sẽ khuyến khích các ngành tiêu tốn nhiều điện và sử dụng điện kém hiệu quả; không khuyến khích chuyển giao và đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; không khuyến khích các nhà đầu tư phát triển triển ngành điện, nhất là phát triển các nguồn mới và đường dây chuyển tải…

Trong khi đó, TS. Trần Thanh Liễn cũng nêu quan điểm, việc tính toán giá truyền tải chỉ theo sản lượng điện năng sẽ không phản ánh chi phí hộ sử dụng, không tạo ra hiệu ứng giá để nâng cao hiệu suất sử dụng hệ thống truyền tải điện, không thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.

Hơn nữa, số liệu thống kê về các lần điều chỉnh chỉ tiêu giá bán điện bình quân từ 2007 đến 2023 tăng cao nhất 15,3% (2010-2011) và thấp nhất là 5% (2012-2013) cho thấy việc tăng giá hoàn toàn không phải theo tín hiệu thị trường. Do đó, việc cải tiến phương pháp lập và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân cũng như minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra là rất cần thiết hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh một cách sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường, đồng thời hạn chế các rủi ro, bức xúc của dư luận trong việc ra các quyết định điều chỉnh giá của EVN và của Bộ Công Thương.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị một số giải pháp trong ngắn hạn nhằm quản lý giá và cung ứng điện cho nền kinh tế tốt hơn. Trong đó,  tăng cường công tác truyền thông; phản ánh khách quan các mặt được và chưa được của phát triển ngành điện và vận hành hệ thống điện cho đến nay; các vấn đề, yếu kém và yêu cầu đổi mới, phát triển và trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển ngành điện và bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế. Nới rộng khung giá bán lẻ điện điện bình quân; và cho phép Bộ Công thương, EVN chủ động hơn trong điều chỉnh giá bán lẻ linh hoat theo kịp biến động của thị trường. Giảm, tiến tới xoá bỏ bù chéo về giá bản lẻ điện, thực hiện một mức giá bán lẻ đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt và một mức giá bán lẻ đối với  sản xuất kinh doanh, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, xem xét, huy động tối đa có thể công suất điện mặt trời, điện gió đã lắp đặt theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư, bên mua điện, nhà nước và người tiêu dùng điện vì sự phát triển chung của đất nước. Đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy điện mới, nhất là các nhà máy đã có trong quy hoạch điện VII, đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch; đồng thời đẩy nhanh và sớm vận hành thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.

TS. Trần Thanh Liễn, Viện Năng lượng và Môi trường, Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam đề xuất nghiên cứu cải tiến phương pháp và bổ sung quy định về giá truyền tải điện (Thông tư 02/2017/BCT) theo hướng giá truyền tải 2 thành phần: Công suất và điện năng.

Còn với việc cải tiến giá bán lẻ điện, TS. Trần Thanh Liễn cho rằng, cải tiến giá bán lẻ điện không chỉ theo hướng tăng giá mà xem xét cả cơ cấu khung giá hai thành phần: giá công suất và giá điện năng cũng như vấn đề bù chéo giữa các ngành: công nghiệp, thương mại, dân dụng và giữa các hộ gia đình trong ngành dân dụng.

Tính toán điều chỉnh giá bán lẻ điện cần dựa trên cơ sở cập nhật biểu đồ phụ tải đặc trưng ngày đêm trong những năm gần đây. Đồng thời cần nghiên cứu đánh giá toàn diện về hiệu quả và các bất cập của việc thực hiện biểu giá lẻ điện lũy tiến trong 10 năm hoặc 15 năm qua (từ năm 2007 -2022) cũng như cần cải tiến biểu giá điện về cách tiếp cận, tính toán và lộ trình thực hiện phù hợp với quá trình chuyển dịch năng lượng điện theo Quy hoạch Điện VIII cho đến khi hoàn chỉnh cấp độ thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

Ngoài ra, TS. Trần Thanh Liễn cũng đề xuất nghiên cứu, bổ sung giá mua, giá bán điện và ưu tiên đầu tư đối với công nghệ lưu trữ điện. Trong đó, công nghệ lưu trữ điện năng (Pin lưu trữ, thủy điện tích năng) là giải pháp hiệu quả nhất cho vận hành các nhà máy điện năng lượng tái tạo và hệ thống điện. Tuy nhiên, hiện nay do giá thành cao đối với pin lưu trữ nên chỉ mới đang phát triển /thực hiện dự án thí điểm ở quy mô nhỏ.

Trong Quy hoạch Điện VIII đã dự kiến phát triển quy mô pin lưu trữ điện là 300 MW, vì vậy để tận dụng tối đa và vận hành hiệu quả nguồn điện năng lượng tái tạo, hệ thống điện và phát triển áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng trên diện rộng trong tương lai, TS Trần Thanh Liễn cho rằng cần nghiên cứu và bổ sung giá mua điện, bán điện đối với công nghệ lưu trữ điện để làm cơ sở thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển loại hình này.

Lan Hương

Các bài viết khác