NGƯỜI DÂN CÓ THỂ GIÁM SÁT CƠ QUAN, CÁN BỘ LÃNH ĐẠO THỰC THI NHIỆM VỤ THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
QUAN TÂM GIÁM SÁT THỰC HIỆN LỜI HỨA CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VÀ CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CỬ TRI
Nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả và được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan cần được giám sát để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương khảo sát thực tế tại địa phương về các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia” để thực hiện trong năm 2024. Việc làm này cũng nhằm đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết và để Quốc hội đề ra các giải pháp thiết thực hơn trong thời gian tới.
Đóng góp ý kiến vào chuyên đề giám sát trên, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm năm 2023 dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên định, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Chính phủ đã dự báo sớm, chọn thời điểm hợp lý để mở cửa nền kinh tế, tận dụng các cơ hội thu hút tối đa các dòng vốn, nhà đầu tư lớn để đất nước có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong tình hình và bối cảnh như vậy, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, không thể quốc gia nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế. Đó là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chính sách về Nghị quyết 43 cũng như 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia chưa đạt kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, đời sống một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao đã và đang là sự quan tâm lớn của xã hội, là mối bận tâm, phân tâm của nhiều người và nỗi phiền muộn của không ít gia đình. Đặc biệt, trong Báo cáo có đề cập một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Với những bất cập trên, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại như đã nêu trên trong báo cáo và quan tâm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về cơ chế, thể chế; đồng thời có liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai mà không để lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã rất nỗ lực trong việc thực hiện triển khai tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đã được ban hành, nhiều chính sách đã có tác dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vươn lên từng bước thoát khỏi khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc giải ngân các chính sách của chương trình đạt rất thấp, mới chỉ đạt 29% tổng nguồn lực của chương trình, trong khi hầu hết các chính sách chỉ được thực hiện trong hai năm 2022-2023. Cá biệt có chính sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể rất khó tiếp cận, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của gói vay 40.000 tỷ mới chỉ đạt 0,82%. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc từ quy định, vướng mắc do thủ tục và do tư tưởng của doanh nghiệp sợ hệ lụy sau này thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về thể chế trong đầu tư công, về thủ tục hành chính trong đầu tư, điều chuyển vốn đầu tư đối với những địa phương chậm triển khai dự án thuộc chương trình. Rà soát các chính sách tài khóa theo tinh thần Nghị quyết 43, chính sách nào hiệu quả thấp, chậm đi vào cuộc sống thì cần báo cáo Quốc hội sớm xem xét, điều chỉnh mục tiêu hỗ trợ, ví dụ như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của gói 40.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, sau 2 năm triển khai cũng đã đạt được những kết quả bước đầu trong phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. Lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các dự án của chương trình còn triển khai chậm và có nhiều vướng mắc, nhất là một số nội dung về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.
Ngoài ra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 theo hướng bỏ các quy định bắt buộc địa phương ban hành cơ chế, chính sách và các quy định thực hiện các dự án đặc thù thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định rõ đối tượng hướng dẫn thực hiện quay vòng một phần vốn trong cộng đồng.
Với những ý kiến đóng góp như trên, các đại biểu kỳ vọng những nút thắt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, cho các Chương trình Mục tiêu quốc gia sẽ được khơi thông để vực dậy nền kinh tế, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…/.