ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI SỞ TƯ PHÁP TP. HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI TỈNH QUẢNG BÌNH VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG
Tính đến cuối năm 2022, các nước có 3.220 công chứng viên hành nghề tại các Phòng công chứng và Văn phòng Công chứng. So với thời điểm triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014, số lượng công chứng viên đã tăng lên hơn 2 lần. Tuy nhiên thời gian qua, ghi nhận thực trạng, số lượng người tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng viên khá lớn nhưng số công chứng viên được bổ nhiệm lại rất thấp. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại Phiên giải trình về thực hiện một số quy định của Pháp luật về hoạt động công chứng do Uỷ ban Pháp luật tổ chức sáng 7/8 tại Đà Nẵng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành phiên giải trình.
Toàn cảnh Phiên giải trình.
Qua 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các quy định của Luật Công chứng đã đi vào thực tiễn cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động công chứng có những bước phát triển cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại. Đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp, giảm khiếu nại, khiếu kiện.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tế cho thấy việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và bất cập cần được khắc phục. Để có thêm thông tin về tình hình thực hiện một số quy định của Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời cũng là để chuẩn bị “từ sớm, từ xa” phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật, thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, Uỷ ban Pháp luật đã quyết định tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”.
Các đại biểu tham dự Phiên giải trình.
Các ý kiến tại phiên giải trình tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính gồm: Việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; Tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; Việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản; Việc quản lý nhà nước về công chứng.
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm từ 2020 – 2022, có 2.886 người đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công chứng hoặc tốt nghiệp khoá bồi dưỡng nghề công chứng. Hơn 90% người tốt nghiệp tham gia tập sự hành nghề công chứng (2.597 người). Tuy nhiên, chỉ có 507 công chứng viên được bổ nhiệm, chỉ đạt gần 18% so với số người đã tốt nghiệp và gần 20% số người tham gia tập sự hành nghề công chứng. Qua khảo sát, tỷ lệ đạt yêu cầu kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng những năm gần đây đạt rất thấp, có địa phương chỉ khoảng 25%.
Bà Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nêu ý kiến: “Việc thi đỗ đạt tỷ lệ thấp như vậy làm cho chúng tôi rất băn khoăn, bởi hiện nay trên địa bàn các tỉnh số lượng công chứng viên còn ít, chưa đảm bảo phủ khắp. Nhiều nơi do ít công chứng viên nên việc thành lập văn phòng công chứng, phòng công chứng còn gặp khó khăn”.
Bà Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải quy định mức trần độ tuổi của công chứng viên. Số lượng công chứng viên mới còn ít, không đáp ứng nhu cầu. Do đó dẫn đến tình trạng cho thuê bằng công chứng viên để thành lập văn phòng công chứng.
“Tuổi hành nghề công chứng viên là không quy định, 80-90 tuổi cũng được, thậm chí cả trăm tuổi cũng được, miễn người đó còn sống là được. Tôi nghĩ điều rất bất hợp lý nên dẫn đến tình trạng hiện nay rất nhiều người đã là công chứng viên rất cao tuổi rồi không hoạt động, cho thuê bằng công chứng để hưởng lợi” - đại biểu Phạm Văn Hoà nêu rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hoà cũng cho rằng, chỉ cần có giấy khám sức khoẻ đảm bảo yêu cầu là công chứng viên vẫn làm việc được. Nhưng trên thực tế, giấy khám sức khoẻ rất dễ kiếm. Nhiều trường hợp “chạy” giấy khám sức khoẻ để thi bằng lái ô tô, xe máy là ví dụ điển hình. Do đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ nguyên nhân tỷ lệ người đạt yêu cầu thấp. Do người học, do chương trình đào tạo, bồi dưỡng hay do việc tập sự chưa đạt chất lượng?
Đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp.
Về vấn đề này, ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp giải thích: “Để đảm bảo chất lượng Công chứng viên thì phải qua 2 quá trình. Thứ nhất là phải thi đậu lớp đào tạo công chứng viên, quan trọng hơn nữa là công chứng viên phải tập sự 12 tháng. Quá trình tập sự này rất quan trọng và là yếu tố quyết định chính việc công chứng viên đạt yêu cầu hay không. Bộ Tư pháp cũng tiếp thu ý kiến và qua quá trình quản lý Nhà nước thì chúng tôi cũng đã thấy và hiện nay đang sửa đổi Thông tư 04 về hướng dẫn tập sự và kiểm tra nghề tập sự, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, nâng cao chất lượng của công chứng viên”.
Trao đổi thêm về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Việc đào tạo, sát hạch và thi cử để bổ nhiệm phải đảm bảo tiêu chuẩn. Chúng ta không thể nào hạ thấp tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên mà họ chưa đạt được tiêu chuẩn về nghề nghiệp, sẽ ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ công. Nếu sửa Thông tư 04 ở điểm nào thì cần lưu tâm hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên giải trình.
Qua trao đổi, giải trình của Bộ Tư pháp, các đại biểu cũng đề xuất việc cần thiết phải dự báo nhu cầu để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo công chứng viên phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và nhu cầu thực tế của mỗi địa phương./.