PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

07/08/2023

Chiều 7/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tổ chức Phiên họp thứ 3. Phiên họp nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát bước đầu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LÀM RÕ TỒN TẠI, HẠN CHẾ CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Toàn cảnh Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, sau thời gian tiến hành giám sát 11 bộ ngành trung ương và giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Phiên họp thứ 3 này nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về bố cục, nội dung để sau phiên họp này sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới; báo cáo khái quát kết quả đạt được của từng Chương trình và những vấn đề nổi lên, khái quát những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG.

Thay mặt lãnh đạo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cảm ơn các thành viên Tổ Công tác, Tổ giúp việc, các chuyên gia đã rất tâm huyết, có nhiều nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, các Báo cáo của Tổ Công tác rất sâu sắc, qua đó cho thấy việc Tổ công tác đi trước là một biện pháp giám sát tốt, có hiệu quả và giảm thời gian của Đoàn công tác của Quốc hội. Báo cáo cũng thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của Tổ Công tác.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe các Đoàn công tác báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các CTMTQG tại các địa phương; thảo luận, tham gia ý kiến Dự thảo báo cáo kết quả giám sát sơ bộ việc triển khai thực hiện các CTMTQG.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát

Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số I về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc của địa phương, tập trung làm rõ hơn được quy trình, thủ tục, nội dung các bước trong việc Lập và giao Kế hoạch thực hiện giai đoạn 05 năm và hằng năm (cụ thể hơn về thời gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp). Bổ sung thêm quy định cho phép Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện trong việc điều chỉnh kế hoạch danh mục đầu tư thực hiện CTMTQG giai đoạn và hằng năm. Đồng thời Chính phủ đã giao cho các Cơ quan chủ chương trình thông báo vốn sự nghiệp cả giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương, để địa phương có cơ sở giao vốn cho các dự án thực hiện cho cả giai đoạn (trước đây chưa có).

Đề cập về kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số II về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 5 tỉnh: Sóc Trăng, quảng Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan nêu rõ, sau 2 năm triển khai thực hiện, 3 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững, việc ban hành VBQPPL và văn bản chỉ đạo,  quản lý và triển khai ở cả trung ương và địa phương còn có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Tuy nhiên việc tháo gỡ, xử lý đã được triển khai nhưng còn chậm nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện 3 CTMTQG còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện 71/CĐ-TTg và Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG , chưa đồng bộ, cá biệt có khó khăn, vướng mắc đã được kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của CTMTQG xây dựng nông thôn mới chưa bền vững; có biểu hiện chạy theo thành tích. Qua đi thực tế làm việc tại một số địa phương cho thấy, các tiêu chí nông thôn mới gắn với mục tiêu phát triển bền vững còn chưa ổn định và nâng cao, nhất là các tiêu chí: 9 về nhà ở dân cư, 10 về thu nhập, 11 về nghèo đa chiều, 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số I về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh.

Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số III về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ những vướng mắc chung của 03 CTMTQG, trong đó hệ thống khung pháp lý và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Trung ương lớn, ban hành chậm, chưa đồng bộ nên khó khăn trong việc nghiên cứu và triển khai tại địa phương; Việc phân bổ vốn ngân sách trung ương chậm, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG và giữa các CTMTQG với các Chương trình, dự án khác khó thực hiện; Tỷ lệ giải ngân vốn thấp… Từ những vướng mắc đó, Đoàn công tác số III đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG; Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Thông tư, văn bản hướng dẫn, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ- CP…

Về cơ bản, đến nay các hoạt động của Đoàn giám sát được triển khai theo đúng kế hoạch đã ban hành, bảo đảm thời gian, tiến độ để báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.

Để kịp có thông tin, số liệu phân tích, đánh giá phục vụ giám sát, Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương gửi báo cáo làm 2 đợt. Tính đến ngày 5/8/2023, các Tổ giúp việc đã làm việc và có báo cáo kết quả làm việc với 11 bộ ngành và 15 địa phương gửi Đoàn giám sát. Các báo cáo của Tổ giúp việc đã đánh giá, phân tích rất sâu sắc về tình hình triển khai thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện các CTMTQG; trên cơ sở đó kiến nghị nội dung cụ thể cho Đoàn giám sát làm việc. Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ vào cuối tháng 8/2023.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp

Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2023, mới có 9 bộ ngành gửi báo cáo, trong đó Bộ Tài chính gửi chậm 15 ngày. Hiện vẫn còn 3 cơ quan chưa gửi báo cáo gồm: Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với địa phương, mới có 44/63 tỉnh, thành phố có báo cáo chung; 29/51 tỉnh có báo cáo về Chương trình DTTS&KMN; 35/63 tỉnh có báo cáo về Chương trình xây dựng nông thôn mới; 35/63 tỉnh có báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững.

Như vậy, việc các bộ ngành và địa phương gửi báo cáo chậm, muộn đã làm ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ và các hoạt động của Tổ Công tác, Đoàn giám sát trong việc xây dựng báo cáo giám sát gửi UBTVQH, nhất là 2 báo cáo rất quan trọng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay vẫn chưa có báo cáo.

Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ nhấn mạnh, việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các CTMTQG mới bắt đầu triển khai thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các CTMTQG trong bối cảnh các Chương trình này đang triển khai rất chậm.

Cuộc giám sát có tác động lan tỏa, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ quyết tâm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao 3 Đoàn công tác, Tổ Công tác và Tổ giúp việc với tinh thần trách nhiệm cao, cung cấp tình hình tốt, đề nghị các thành viên của Đoàn tập trung cao độ, đặc biệt Tổ giúp việc họp thống nhất lại các nội dung, bám sát 3 Tổ của 3 Đoàn giám sát thật chặt chẽ, qua đó báo cáo UBTVQH bước đầu việc thực hiện 3 CTMTQG tại Phiên họp thứ 25 tới.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bố cục Báo cáo của Đoàn giám sát gồm 3 phần: Phần thứ nhất, tình hình và kết quả triển khai giám sát, cách thức tổ chức làm việc với các bộ ngành địa phương; những thuận lợi, khó khăn, đánh giá kết quả bước đầu (tác động đến sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các bộ ngành và địa phương);

Phần thứ 2 về kết quả thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong mục về công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các CTMTQG, cần đánh giá mô hình tổ chức từ trung ướng đến cơ sở của cả 3 CTMTQG và từng Chương trình; ban hành văn bản của 3 Chương trình và của từng Chương trình; lập kế hoạch và phân bổ vốn của 3 CTMTQG và của từng Chương trình.

Về mục kết quả thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phân tách kết quả của từng Chương trình, trong đó cần đánh giá khái quát kết quả thực hiện trong 2 năm vừa qua, đánh giá một số điểm mạnh của từng Chương trình. Tuy nhiên đối với từng chương trình, đánh giá cụ thể một số tồn tại, hạn chế.

Đối với mục đánh giá chung của 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị với từng Chương trình rút ra nguyên nhân: về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; thái độ, hành động chỉ đạo cụ thể; trách nhiệm.

Đối với từng CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung đánh giá 6 nội dung chính sau: đánh giá khái quát kết quả của 3 Chương trình; Cơ quan chỉ đạo tham mưu cho từng Chương trình; đánh giá văn bản ban hành; về vốn; kết quả triển khai thực tế; kết quả công tác kiểm tra, giám sát.

Phần thứ 3 về giải pháp, kiến nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung vào báo cáo để sắc sảo hơn, có phát hiện mới và tính đặc thù của 3 CTMTQG, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh 2 phong trào thi đua là xây dựng nông thôn mới và cả nước chung tay vì người nghèo./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao 3 Đoàn công tác, Tổ Công tác và Tổ giúp việc với tinh thần trách nhiệm cao, cung cấp tình hình tốt, đề nghị các thành viên của Đoàn tập trung cao độ, đặc biệt Tổ giúp việc họp thống nhất lại các nội dung, bám sát 3 Tổ của 3 Đoàn giám sát thật chặt chẽ, qua đó báo cáo UBTVQH bước đầu việc thực hiện 3 CTMTQG tại Phiên họp thứ 25 tới.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm điều hành nội dung thảo luận.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp thứ 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số II về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 5 tỉnh: Sóc Trăng, quảng Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số III về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị báo cáo với UBTVQH cần nêu những vấn đề trọng tâm nhất, trong đó cần đánh giá rõ hơn về tác động của các CTMTQG, về kết quả, về tồn tại, hạn chế, về nguyên nhân phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn...

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại Phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị về kết cấu nên bổ sung thêm đánh giá công tác kiểm tra của các cấp ngành có liên quan, từ các Bộ chủ quản đến các địa phương.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, bám sát đề cương chung cần rõ ràng hơn, phần nào riêng của từng Chương trình cần mạch lạc hơn.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, báo cáo chung sơ bộ nêu được những nội dung nổi bật, tồn tại, hạn chế và nêu được kiến nghị giải pháp và đề xuất, tuy nhiên đề nghị có đánh giá thực chất hơn trong báo cáo của Đoàn giám sát.

Đại diện Vụ Xã hội, Tổ giúp việc của Đoàn công tác số II phát biểu tại Phiên họp./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng