CẦN GIẢI PHÁP KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI LAO ĐỘNG GẮN BÓ VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI

09/08/2023

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền lợi của toàn bộ người lao động, nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật cần có những quy định khả thi, hợp lý nhằm khuyến khích người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền lợi của toàn bộ người lao động, nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Đối với quy định về hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng như: Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội; Người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 02 phương án, trong đó, Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Theo đại diện cơ quan soạn thảo, dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng chấp nhận những rủi ro trong tương lai để xin rút BHXH một lần cho thấy sự bất an kinh tế của một bộ phận người lao động, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp và không ổn định.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, trạng thái bất an kinh tế có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trước hết do tình trạng làm việc không có tích lũy, cùng những áp lực từ khó khăn trước mắt, hoặc những tính toán khác cho cuộc sống sau này. Giảm bất an kinh tế đòi hỏi những can thiệp chính sách tổng thể, chứ không thể chỉ trông chờ vào việc sửa đổi một bộ luật. Vì thế, những đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách ở nước ta trong việc dung hòa giữa đáp ứng nguyện vọng hiện nay của người lao động với bảo đảm sự an toàn về cuộc sống của họ trong tương lai.

TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, điều chỉnh đáng chú ý nhất trong Dự thảo Luật bảo hiểm (sửa đổi) là phương án can thiệp mang tính hành chính, giảm thời gian đóng và chỉ cho rút tối đa 50% số năm đóng BHXH. Bên cạnh đó, dự thảo cũng có điều chỉnh về các hình thức hỗ trợ tài chính, chủ yếu là các chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế, tuy nhiên chưa đủ tạo thành động lực mạnh để người lao động kiên nhẫn với BHXH.

TS.Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Cho rằng tác động của biện pháp can thiệp tài chính đến hành vi rút BHXH một lần của người lao động có thể sẽ rất hạn chế, TS.Nguyễn Văn Đáng cùng nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một lựa chọn thay thế khác, có thể khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó với BHXH, là bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện tại cũng khiến loại bảo hiểm này chưa phải là điểm tựa đáng tin cậy khi người lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.

Cụ thể, như các quy định sau đây khiến người lao động muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ khó thực hiện: họ phải "có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp", hay họ “chỉ hưởng tối đa 12 tháng”. Để giảm bất an kinh tế, giúp người lao động không phải thực hiện những quyết định “lợi bất cập hại” thì phúc lợi từ ngân sách Nhà nước, cụ thể nhất là các chương trình bảo hiểm và trợ cấp xã hội, luôn giữ vai trò hàng đầu.

Về lâu dài, TS.Nguyễn Văn Đáng cho rằng cần tính đến các mô hình hỗ trợ cộng đồng để người dân có điều kiện có thể đóng góp, tạo thành các quỹ tự nguyện. Qua đó, có thể san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc hỗ trợ những người gặp khó khăn, giúp bảo đảm an toàn cuộc sống cho người lao động trong mọi tình huống.

Hồ Hương