Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này gồm 05 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 11 nội dung lớn. Trong đó, có nội dung về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội.
Như vậy, bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí được bổ sung nhằm hình thành hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.
Góp ý về nội dung này, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 27 đến Điều 31). Đồng thời, dự thảo luật cũng đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi (như hiện hành) xuống 75 tuổi.
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật
Theo tính toán của cơ quan trình Luật, nếu theo phương án giảm xuống 75 tuổi thì dự kiến sẽ có thêm 1,1 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội, trong đó 800.000 người do hạ tuổi và 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH bắt buộc. Đề xuất này sẽ tăng diện được hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách không phát sinh thêm nhiều bởi trợ cấp hưu trí xã hội do BHXH chi trả. Dự thảo Luật cũng quy định: nếu người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ số tiền họ đã đóng BHXH. Mức trợ cấp hàng tháng của nhóm này tùy thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, những người này cũng được bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả.
Theo Tờ trình thì việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Đồng tình với việc bổ sung hình thức trợ cấp hưu trí xã hội vào Luật này tuy nhiên, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ cho rằng trên thực tế đây cũng không phải là một chế độ hoàn toàn mới mà là kế thừa và tiếp tục cụ thể hóa quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi. Ngoài ra, về cơ bản lần sửa đổi này cũng chưa bổ sung được sản phẩm bảo hiểm mới để hình thành hệ thống BHXH đa tầng như yêu cầu của Nghị quyết 28.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội
Nêu quan điểm về đề xuất này tại dự thảo luật, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho biết, vai trò của trợ cấp hưu trí xã hội là bảo đảm an ninh tuổi già cho moi người dân, thông qua sự tham gia/tài trợ của nhà nước. Điều này phù hợp với chủ trương xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, trong đó tầng thấp nhất, ngân sách nhà nước (NSNN) cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng).
Theo Dự thảo Luật BHXH, hưu trí xã hội bao gồm: phần hỗ trợ của NSNN đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên, giảm từ 80 tuổi hiện nay (điều 27) và một phần hỗ trợ người đã tham gia BHXH song không đủ điều kiện để hưởng lương hưu (điều 30, dự thảo Luật BHXH). Việc thiết kế tầng "0" này, sẽ góp phần mở rộng độ bao phủ của BHXH (từ 35% cuối 2022 lên 60% vào năm 2030).
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá rất cao cách thiết kế tầng này trong dự thảo Luật BHXH. Theo ILO, đây là Mô hình hưu trí hỗn hợp: Nguyên tắc của Mô hình này là kết hợp giữa mức hưu trí đóng góp (do tham gia BHXH) và không đóng góp (không tham gia BHXH). Trong đó, một nhóm người lao động (từ 60 đến 75) sẽ được hưởng hưu trí do đóng góp của bản thân (tham gia BHXH) và do chính phủ tài trợ cả mức đóng; hoặc mức hưu trí xã hội; BHYT cùng một số chính sách khác (Mông cổ, Trung quốc) hiện thực hiện mô hình này.
Theo thiết kế, nguyên tắc bao trùm và kế hợp/thừa kế giữa nhà nước và cá nhân người lao động dần được thực hiện. Đây là hướng điều chỉnh rất tốt để tiến đến mở rộng phạm vi bao phủ của BHXH đối với người lao động (bổ sung nhóm đối tượng tham gia vào hệ thống BHXH song không đủ thời gian hưởng được hưởng hưu trí xã hội, tùy thuộc vào mức đóng và thời gian đóng) là bước tiến về nhận thức và tổ chức thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý, việc quy định trợ cấp xã hội đối với người trên tuổi lao động, song không tham gia BHXH sẽ giảm tính hấp dẫn của BHXH. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không thể đạt được mức bao phủ toàn dân nếu chỉ thông qua viêc hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện. Do vậy, tầng này sẽ phát huy vai trò tốt hơn nếu tầng BHXH bắt buộc mở rộng cho tất cả mọi người lao động, với mức đóng thấp nhất./.