CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI GÓP PHẦN GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

14/08/2023

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp là chú trọng phát triển hạ tầng cho các dự án điện gió ngoài khơi nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính...

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI VỀ ĐẤT ĐAI, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG PHỤC VỤ CHO PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.

Phát triển điện gió ngoài khơi góp phần giảm phát thải khí nhà kính (ảnh minh họa: Internet).

Ngoài ra, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, trong đó điện gió ven bờ và ngoài khơi.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Trên cơ sở các cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm.

Các giải pháp đồng bộ để phát triển điện gió ngoài khơi

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh), thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu nhưng thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Do đó, Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Ông Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Để phát triển điện gió ngoài khơi, ông Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có những kiến nghị, đề xuất về khoa học công nghệ và môi trường cho điện gió ngoài khơi trên biển Việt Nam.

Thứ nhất: Việt Nam cần xây dựng Chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu về điện gió ngoài khơi từ về chính sách, pháp luật, quản lý đến đánh giá, khảo sát thực địa điện gió ngoài khơi, kinh tế, đầu tư điện gió ngoài khơi, kỹ thuật công nghệ điện gió ngoài khơi, các vấn đề môi trường trong phát triển điện gió ngoài khơi. Đặc biệt cần xem xét xây dựng Luật Năng lượng tái tạo (hoặc Luật Điện gió ngoài khơi) sớm có quy định pháp lý về phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Thứ hai: Nghiên cứu, xây dựng và bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình, hạ tầng điện gió ngoài khơi, thị trường điện gió ngoài khơi, vốn, công nghệ, nhân lực triển điện gió ngoài khơi, các tiêu chuẩn môi trường và xã hội với điện gió ngoài khơi.

Thứ ba: Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học công nghệ và môi trường trong lĩnh vực triển điện gió ngoài khơi.

Thứ tư: Nghiên cứu, xác lập và quy hoạch không gian biển cho phát triển triển điện gió ngoài khơi cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với phát triển bền vững.

Thứ năm: Đánh giá đầy đủ mức độ tổn thương, ước lượng giá thiệt hại môi trường của các dự án điện gió ngoài khơi, nghiên cứu về thuế, phí mới của các dự án triển điện gió ngoài khơi đóng góp các quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phục hồi sinh thái, quỹ khí hậu, quỹ năng lượng xanh, quỹ công bằng năng lượng để phục vụ phát triển bền vững.

Thứ sáu: Cần tiếp tục đo gió và đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi toàn vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta, như nghiên cứu để quy hoạch các trang trại triển điện gió ngoài khơi xa bờ không nối lưới phục vụ cho đảo và sản xuất hydrogen trong tương lai với nhiều lợi ích lớn khác. Các kết quả tiềm năng kỹ thuật cần kiểm chứng lại trước khi sử dụng. Nghiên cứu này mở ra một hướng mới trong đánh giá tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.

Thứ bẩy: Cần có nghiên cứu xây dựng và phê duyệt Đề án Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng gió ngoài khơi quốc gia để chuẩn hóa bản đồ biển, ranh giới và diện tích biển, đo đạc biển. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên năng lượng gió, các khu bảo tồn biển, luồng hàng hải, phương pháp xác định tiềm năng triển điện gió ngoài khơi để có được dữ liệu tốt nhất, dùng cho Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện lực quốc gia.

Thứ tám: Cần nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 3-4 GW nhằm hoàn thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, giữa các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có một số nét tương đồng nên có thể nghiên cứu để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, ngoài phần turbine và cáp điện ngầm do một số ít các công ty nước ngoài độc quyền về công nghệ nên Việt Nam chưa sản xuất được. Các phần còn lại đều tương đồng về công nghệ với ngành dầu khí ngoài khơi, PVN và các đơn vị thành viên đã có nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn làm chủ về công nghệ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, công trình dầu khí và điện gió ngoài khơi đều là các dự án với kết cấu băng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và được vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi. Các dự án điện gió ngoài khơi cũng phải thực hiện các công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công theo những yêu cầu khắt khe như các công trình dầu khí, đảm bảo an toàn khi thi công xây lắp.

Tương tự như các giàn khoan dầu khí, các dự án điện gió ngoài khơi cũng cần xây dựng phần móng cho các tuabin gió và các trạm biến áp trên biển; rải và lắp đặt cáp ngầm kết nối hệ thống, cáp xuất điện... Khối lượng và kích thước của các móng tuabin gió khá nhỏ so với móng cho các dự án khai thác dầu khí mà PVN đã thực hiện. Khối lượng và kích thước cáp ngắn cũng tương tự như khối lượng và kích thước cáp ngầm sử dụng tại các công trình dầu khí và dễ thi công hơn nhiều so với công tác rải ống xét về cả quy mô và phức tạp./.

Bích Lan

Các bài viết khác