UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH VIỆC CÁC CƠ QUAN THANH TRA ĐƯỢC TRÍCH MỘT PHẦN TỪ CÁC KHOẢN THU HỒI PHÁT HIỆN QUA THANH TRA SAU KHI NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ban hành dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, xuất phát từ quy định của Luật Thanh tra, thực tế yêu cầu đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về tài chính, ngân sách, việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo cụ thể hóa được yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022 về kinh phí hoạt động của các cơ quan thanh tra, chế độ chính sách đặc thù cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định của pháp luật về tài chính; phù hợp với thực tế hoạt động đặc thù của cơ quan thanh tra, trên cơ sở kế thừa những quy định hiện hành về quản lý, sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời, khắc phục những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ quan thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra. Đồng thời, quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước là các cơ quan thanh tra theo quy định tại Điều 9 Luật Thanh tra năm 2022, bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Thanh tra năm 2022. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này bảo đảm cơ sở pháp lý và được xây dựng trên cơ sở thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh
Về quan điểm xây dựng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến đề nghị quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến nhất trí hình thức ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dưới hình thức Nghị quyết như theo đề nghị của Chính phủ. Việc ban hành quy định này theo hình thức Nghị quyết là phù hợp với điểm e khoản 2 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Thông báo số 2532/TB-TTKQH ngày 16/6/2023 Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định các nội dung được giao tại các Luật cũng đã có tiền lệ.
Để bảo đảm tính công bằng giữa các cơ quan thanh tra, đa số ý kiến trong ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị: Đối với các cơ quan thanh tra thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục, Cục đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù không được trích các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra; Đối với các cơ quan thanh tra tỉnh, huyện thuộc các địa phương đang thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, các cơ quan thanh tra tỉnh, huyện được trích các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra, nhưng công chức của các cơ quan thanh tra tại các địa phương này chỉ được áp dụng hưởng mức thu nhập tăng thêm hoặc mức khen thưởng động viên cao nhất theo quy định của Nghị quyết này hoặc theo cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương.
Về các khoản được trích, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo quy định do đã quy định đây là các khoản được trích từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, nên không trùng lắp với các khoản thu hồi phát hiện qua Kiểm toán nhà nước hoặc số tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán. Đồng thời, đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC do quy định này đã có căn cứ thực tiễn và bảo đảm lập, quyết định dự toán chi, sử dụng kinh phí được trích không vượt quá nhu cầu chi hằng năm của các cơ quan thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cần thiết kế cụ thể về thủ tục trích, nộp. Trình tự, thủ tục trích, nộp cần được quy định cụ thể, trong đó làm rõ trình tự, thủ tục đối với: Các khoản thu hồi do đối tượng thanh tra trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước; Các khoản thu hồi đã được cơ quan thanh tra nộp vào ngân sách nhà nước từ tài khoản tạm giữ sau khi đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ theo kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Ngoài ra, đề nghị cần rà soát, sắp xếp nội dung liên quan đến lập, giao dự toán và quyết toán kinh phí được trích để áp dụng thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước và phù hợp các quy định pháp luật. Lập dự toán kinh phí trích hàng năm cần xác định trên số thực nộp ngân sách nhà nước đã được cơ quan tài chính/Kho bạc Nhà nước xác nhận từ một thời điểm năm trước đến thời điểm lập dự toán năm sau để bảo đảm chủ động trong lập dự toán chi và tránh trường hợp thực tế các năm sau không có nguồn kinh phí trích nộp, nhưng dự toán chi đã thực hiện từ các năm trước không bố trí được nguồn để hoàn trả...
Các đại biểu tại phiên họp
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác...;cho rằng hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ đảm bảo đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách; cho rằng việc ban hành dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước về có đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng
Về hình thức ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành với ý kiến đa số của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về vấn đề này. Theo đó, hình thức ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dưới hình thức Nghị quyết như theo đề nghị của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với điểm e khoản 2 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Thông báo số 2532/TB-TTKQH ngày 16/6/2023 Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và các nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Nghị quyết cần phải xử lý được khoảng chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới cho chính xác; cân nhắc sau khi Nghị quyết được thông qua thì có ban hành nghị định, thông tư gì nữa không? Nếu quy định cụ thể trong Nghị quyết để áp dụng được luôn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát Thông tư số 327/2016/TT-BTC bởi đã được áp dụng và chứng minh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, về phạm vi điều chỉnh cần bám sát theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết, báo cáo vào đợt hai của Phiên họp. Đồng thời, lưu ý bổ sung thông tin đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là các nội dung: bộ máy thanh tra các cấp, số lượng người, đơn vị thụ hưởng, thời gian thực hiện chế độ trích kinh phí áp dụng theo Thông tư số 42…
Cùng với đó, cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh rõ ràng, thuận tiện khi áp dụng, đối tượng chi kinh phí phải là các cơ quan thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra. Rà soát quy định đầy đủ thủ tục trích đột, trình tự, thủ tục lập dự toán, giao dự toán, nộp, quyết toán kinh phí được lập để bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện được ngay.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ban hành dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ đảm bảo đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu ý kiến
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết, báo cáo vào đợt hai của Phiên họp. Đồng thời, lưu ý bổ sung thông tin đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là các nội dung: bộ máy thanh tra các cấp, số lượng người, đơn vị thụ hưởng, thời gian thực hiện chế độ trích kinh phí áp dụng theo Thông tư số 42…