GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐI VÀO CHIỀU SÂU, CỤ THỂ, CHẶT CHẼ, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT THỰC
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh trình bày Báo cáo
Nên rõ, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết này, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cũng báo cáo cụ thể về công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến; công tác phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…; kết quả thực hiện Nghị quyết theo các nhóm nội dung trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, việc thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Nghị quyết liên tích 403.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết, ở Trung ương, trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, thường xuyên trao đổi, thống nhất trong xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; việc phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc nghiên cứu, xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Toàn cảnh phiên họp
Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đại diện tham gia đầy đủ các hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức; việc xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị và phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có giá trị cả về lý luận và thực tiễn được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao; là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; các bộ, ban, ngành thực hiện các quy định trên thực tế bảo đảm hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu quả công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp công tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, ban ngành cùng cấp. Căn cứ vào các nội dung phối hợp đã ký kết, hằng năm các cơ quan phối hợp đều triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng thời thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin có liên quan, cụ thể như: Chương trình giám sát, hằng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có đề xuất nội dung giám sát với Hội đồng nhân dân cùng cấp để xem xét đưa vào nội dung chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân; đồng thời, chương trình giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để phối hợp triển khai, thực hiện.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp
Ghi nhận báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng với đầy đủ số liệu, các nhận định, đánh giá, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh kết quả trong hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất hiệu quả. Trong đó, có việc trao đổi, thống nhất trong xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm. Việc phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương cũng rất hiệu quả, đóng góp nhiều ý kiến rất sâu sắc, đầy đủ.
Việc xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng đã phối hợp rất chặt chẽ. Việc xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội theo quy định của pháp luật cũng có sự phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng xem xét cho ý kiến về việc trả lời kiến nghị của cử tri, đã góp phần quan trọng trong việc củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 nhất là các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó cũng cho thấy những cố gắng và kết quả đạt được của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các địa phương, các tổ chức thành viên trong thời gian vừa qua. Trong trong bối cảnh tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tinh gọn thì hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cũng đã phản ánh được những nét nổi bật, không chỉ trong hoạt động của mình mà trong cả giám sát, phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có những đánh giá sâu sắc hơn, đặc biệt là những kết quả nổi bật, những vướng mắc theo pháp luật, những vướng mắc về Nghị quyết liên tịch 403 chưa đủ rõ. Đề nghị đánh giá kĩ để làm rõ có nội dung nào chồng chéo về phạm vi, đối tượng và địa bàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc với giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội không và đề xuất giải pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, kết hợp được với phản biện của Mặt trận Tổ quốc hoặc hoạt động giám sát, phản biển của Mặt trận Tổ quốc kết hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội chặt chẽ hơn, không để chồng chéo, trùng lắp về địa bàn thì sẽ không gây khó khăn cho cơ sở.
Ngoài ra, việc chia sẻ, sử dụng kết quả giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng cần phải nêu một cách cụ thể hơn.
Về phần phương hướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ hơn các kiến nghị để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc nhât slaf những nội dung liên quan đến các luật như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân…chỉ rõ nội dung nào cần sửa đổi, sửa đổi những gì.