Bàn về công tác giám sát của Quốc hội, ThS.Hoàng Thục Oanh, Thanh tra Bộ Nội vụ cùng nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình, kế hoạch giám sát, khảo sát, hội thảo của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban cần gửi sớm về Văn phòng Quốc hội (đầu mối là Vụ phục vụ hoạt động giám sát) để thuận lợi cho việc tham mưu, điều hòa hoạt động giám sát, tránh việc trùng lặp nhiều cuộc giám sát, khảo sát, hội thảo tại cùng địa phương, trong cùng thời điểm, tránh việc Bộ trưởng, Trưởng ngành phải báo cáo giải trình hoặc tham gia giải trình nhiều lần trong tháng.
Vụ phục vụ hoạt động giám sát cần tổng hợp thông tin hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để báo cáo lãnh đạo Quốc hội và gửi lên mạng thông tin điện tử nội bộ để phục vụ cho công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành; theo dõi, tổng hợp, việc triển khai nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với Đoàn giám sát về các Chương trình mục tiêu quốc gia
Các chuyên gia cũng cho rằng, mỗi cơ quan của Quốc hội cần có lãnh đạo theo dõi, đôn đốc hoạt động giám sát. Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban tăng cường sự phối hợp với Văn phòng Quốc hội thông qua việc chỉ đạo các Vụ chuyên môn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Vụ Phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng Quốc hội. Các Vụ chuyên môn nâng cao chất lượng tham mưu về mặt nội dung chuyên môn, tích cực tham gia trong việc chuẩn bị thông tin đầu vào như tham mưu lựa chọn chuyên đề giám sát, đề xuất nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề cần báo cáo giải trình, xây dựng các báo cáo giám sát... và xử lý thông tin đầu ra như xây dựng các nghị quyết, kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn... Vụ Phục vụ hoạt động giám sát làm đầu mối tham mưu, phối hợp phục vụ lãnh đạo về công tác chỉ đạo, điều hành, điều hòa, báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát; về công tác bảo đảm phục vụ các hoạt động giám sát; tham gia xây dựng các báo cáo và nghị quyết về hoạt động giám sát. Giữa các vụ cần có sự liên hệ thường xuyên, tăng cường trao đổi thông tin để triển khai thông suốt, hiệu quả, tránh dựa dẫm hoặc trùng chéo công việc.
Cần thiết lập và giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận theo dõi, tham gia phục vụ về hoạt động giám sát; không chỉ giữa các các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội mà còn giữa các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội với bộ phận tham mưu, giúp việc của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đến hoạt động giám sát và chịu sự giám sát.
Cùng với đó, về mặt thể chế cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định rõ về tiêu chí, quy trình, thủ tục tiến hành các hình thức giám sát (như quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục của việc xây dựng chương trình hoạt động giám sát hàng năm; trình tự, thủ tục thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; trách nhiệm của các thành viên Đoàn giám sát trong việc tham gia Đoàn, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết khi được phân công; tiêu chí lựa chọn nội dung, người trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; trình tự, thủ tục hoạt động báo cáo giải trình tại các phiên họp của Hội đồng, Ủy ban; việc thành lập Ủy ban lâm thời; bỏ phiếu tín nhiệm; quy định về việc theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội qua hoạt động giám sát, cơ chế pháp lý để ràng buộc việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát...).
Ngoài ra, cần bổ sung trình tự, thủ tục đối với hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; quy định về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong nội bộ Văn phòng Quốc hội, giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan khác trong hoạt động giám sát. Trên cơ sở đó, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bắt buộc phải ban hành Quy chế phối hợp phục vụ hoạt động giám sát có liên quan thay vì việc ban hành các văn bản ngắn hạn như hiện nay.