DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ: BẢO ĐẢM VỮNG CHẮC CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN

18/08/2023

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng 18/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS).

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự Phiên họp về phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan có Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh  Tuấn; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ.

Báo cáo tóm tắt một số nội dung lớn của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho tách Điều 5 thành 02 điều: Điều 5 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ.

Đối với quy định về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đất đai (sửa đổi) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu sửa đổi nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo Luật này, với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự thảo Luật đang trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới​

Liên quan đến quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho quy định cụ thể phạm vi khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự xác định theo từng loại, nhóm, yêu cầu quản lý bảo vệ và vị trí, điều kiện địa hình, dân cư nơi có công trình quốc phòng và khu quân sự. Đối với quy định về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho quy định thành 2 điểm và chỉnh lý khoản này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, đề nghị cho chỉnh lý điểm b khoản 3; bổ sung, chỉnh lý lại khoản 9 và khoản 10; chỉnh lý, sắp xếp lại các điểm, khoản tại Điều này cho thống nhất, chặt chẽ.

Về xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung tại khoản 1 quy định các trường hợp công trình, vật kiến trúc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng sang quốc phòng hoặc di dời, phá dỡ để bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, cho chỉnh lý, sắp xếp một số nội dung tại Điều này để bảo đảm vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung 01 Điều quy định chuyển tiếp để thực hiện các nội dung quy định tại Điều này.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Việc tiếp thu, giải trình được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đánh giá cao chất lượng các tài liệu và trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan trực tiếp thẩm tra và soạn thảo. Đồng thời, cơ bản nhất trí với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường​

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận thấy, một số nội dung tại Điều 2 về giải thích từ ngữ chưa được quy định rõ ràng. Theo đó, khoản 10 quy định đường cơ bản của kho đạn dược là đường khép kín nối các điểm hoặc cạnh ngoài của các nhà kho đạn dược, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn các điểm này có phải là điểm giao nhau giữa các cạnh ngoài kho đạn dược với mặt đất hay không? Bên cạnh đó, cần quy định rõ giới hạn trong của vành đai an toàn kho đạn dược tại khoản 11 có phải đường trên mặt đất không? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần quy định rõ ràng hơn những nội dung này để đảm bảo tổ chức thực hiện hiệu quả khi luật được thông qua.

Mặt khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung giải trình ý kiến đối với hồ sơ nghị định, thông tư kèm theo bởi dự thảo Luật có hơn 10 điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết. Trong đó, giải trình rõ hơn nội dung nào phải xây dựng văn bản theo chế độ mật, nội dung nào cần cụ thể hoá ngay trong luật và nghị định. Đồng thời cũng đề nghị làm rõ hơn thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng, cần có ý kiến thống nhất của Chính phủ về nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét. 

Góp ý đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, việc phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển công trình lưỡng dụng trong trường hợp cấp bách mà không giao Thủ tướng Chính phủ như các trường hợp khác là rất cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định việc chuyển mục đích sử dụng của công trình lưỡng dụng từ mục đích dân sự sang mục đích quân sự nhưng chưa quy định tình huống cấp bách không còn nữa thì có chuyển mục đích quân sự về mục đích dân sự hay không? Trong trường hợp đó, ai là người có thẩm quyền để chuyển mục đích sử dụng như ban đầu? Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này để đảm bảo tính chặt chẽ.

Đối với quy định về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy, dự thảo quy định về các khoản kinh phí bồi thường quá cụ thể. Việc quy định cụ thể như dự thảo Luật có thể vẫn thiếu và không thể bao quát được hết các trường hợp trong thực tiễn. Vì vậy, đề nghị chỉ nên quy định các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm bồi thường, các vấn đề khác như các khoản kinh phí phải bồi thường, thủ tục bồi thường nên giao Chính phủ quy định chi tiết để vừa bảo đảm phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật. 

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội​ kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; chất lượng tiếp thu, giải trình dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Rà soát, xem xét thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đánh giá tác động, bảo đảm vững chắc cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Làm rõ hơn tinh thần đây là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Vừa qua, việc thực hiện nhiệm vụ này cơ bản đã tốt, tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời bình cần phải làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong các chế độ bảo vệ, quản lý công trình quốc phòng; khẳng định việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng phải theo quan điểm toàn dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những vấn đề đã chín, đã rõ thì cụ thể trong luật, những nội dung giao Chính phủ cũng phải rõ ràng, bảo đảm tính linh hoạt và bảo đảm bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ nghị định, thông tư kèm theo. Đồng thời đề nghị sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội có thông báo kết luận phát hành theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hồ sơ dự án luật sẽ được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến trước khi hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV./.

Minh Thành - Phạm Thắng