UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp
Tại phiên họp này, sau khi nghe báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia các giao dịch dân sự, hành chính trong xã hội. Trước mắt Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam (có tính chất bắt buộc), không cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam vì họ chưa đủ các điều kiện cấp căn cước như công dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung, chỉnh lý Điều 5 và chỉnh sửa toàn diện Điều 7 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, để triển khai Đề án 06 của Chính phủ, thì việc mở rộng, cập nhật thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết để khai thác, đối sánh, xác minh thông tin. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý, bổ sung Điều 11 và Điều 17 quy định cụ thể về phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; chỉnh lý khoản 2 Điều 11 bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm tính ổn định của dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Đối với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên thẻ sẽ bảo đảm tính bao quát hơn; đồng thời, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội và cũng không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch và tâm lý người dân.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung phiên họp.