CHÍNH PHỦ TRÌNH BỔ SUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023 VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

21/08/2023

Vừa qua, Chính phủ có Tờ trình số 369/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung một số dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/8/2023 để xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

CẦN CHỦ ĐỘNG ÁP DỤNG THUẾ NỘI ĐỊA BỔ SUNG TỐI THIỂU ĐẠT CHUẨN: CƠ HỘI ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI ĐIỀU KIỆN MỚI VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP

Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15

Trước đó Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15 Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đồng thời, theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề. Trong đó có nội dung: Đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 05/8 vừa qua, Chính phủ có Tờ trình số 369/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung một số dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Một trong những nội dung trình của Chính phủ là đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống sói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 508/QĐ-TTG ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2023;…

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ đã cho ý kiến về báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế 

Việc ban hành chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống sói mòn cơ sở thuế toàn cầu cũng nhằm đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh. Từ năm 2021, OECD đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước là thành viên IF. Theo đó, đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore,…

Theo nguyên tắc áp dụng, Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước bối cảnh các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế và các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành văn bản quy định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và chuẩn bị các tài liệu kèm theo.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nhằm xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu, Nghị quyết dự kiến sẽ quy định 02 nhóm nội dung chính. Một là, quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Hai là, quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023).

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 4/2023)

Trong suốt thời gian qua, đây là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm. Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự “sốt ruột” vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách, sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức nhưng lại chưa thấy xuất hiện trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những giải pháp thích ứng đầu tiên. Nhấn mạnh luật này dứt khoát phải làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ nếu không làm ngay, có nghĩa Việt Nam từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn FDI sẽ bị tác động rất nặng nề.

Sau phiên họp, tại văn bản số 2186/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nêu rõ, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa vào Chương trình năm 2023, năm 2024, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 7/2023)

Tại phiên họp thứ 24 (tháng 7/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này nêu rõ, bên cạnh các nội dung trình Quốc hội theo thông lệ và theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội thì các nội dung khác cần thiết phải bổ sung vào trong chương trình Kỳ họp thứ 6, đề nghị các cơ quan có văn bản đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 6 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 7/2023, đồng thời khẩn trương hoàn thiện tài liệu theo đúng quy định gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/8/2023, trong đó lưu ý các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu…là những nội dung đến thời điểm Quốc hội họp đã chậm hơn so với quy định nên cần phải khẩn trương trình Quốc hội, không thể trì hoãn.

Sau khi nhận được Tờ trình số 369/TTr-CP của Chính phủ trong đó có đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, qua xem xét các nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc xây dựng Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội; đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/8/2023 để xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023 về nội dung đồng thời với việc quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nếu đáp ứng đủ điều kiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tổ chức thẩm tra đối với nội dung này.

Bảo Yến