Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối với hộ kinh doanh: Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 02 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh; và Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng. Hiện nay, Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tương tự như đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo số liệu tính đến 31/12/2022, cả nước có 405.032 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 270.346 người. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chỉ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đối với người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương: Luật BHXH năm 2014 chỉ mới quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương chưa được quy định tham gia BHXH bắt buộc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Các đại biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để tạo sự chủ động của Chính phủ trong việc mở rộng việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với bối cảnh sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người lao động, tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi của dự án Luật có liên quan đến một số văn bản của Đảng , Luật , các hiệp định song phương , các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật.
Việt Nam đang trong tiến trình xem xét để phê chuẩn Công ước số 102 (1952) của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội, về cơ bản dự án Luật đã đảm bảo tương thích với Công ước số 102 trên các khía cạnh tăng diện bao phủ đối tượng được hưởng quyền lợi, mức độ đầy đủ của các quyền lợi, điều kiện được hưởng, thời hạn được hưởng, thủ tục và hồ sơ giải quyết hưởng theo các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Để bảo đảm tương thích với Công ước 102, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn việc chưa bổ sung chế độ trợ cấp gia đình (trường hợp bảo vệ về con cái) trong lần sửa đổi này. Cho đến nay, trợ cấp gia đình là chế độ bảo hiểm xã hội duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện so với Công ước số 102. Việc bổ sung chế độ trợ cấp này có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ; có ý kiến cho rằng bổ sung chế độ này sẽ giúp giữ chân người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục;
Về vị trí của Luật Bảo hiểm xã hội trong pháp luật bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các lần sửa đổi trước đây ta đã tách một phần quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động), bảo hiểm thất nghiệp (quy định tại Luật Việc làm) nhưng vẫn thể hiện gốc của các chế độ, chính sách này và mối quan hệ chặt chẽ với chính sách bảo hiểm xã hội (thông qua việc Luật Bảo hiểm xã hội vẫn quy định bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; các hành vi bị nghiêm cấm, việc xử lý vi phạm, trách nhiệm trong quản lý của các cơ quan, tổ chức đối với bảo hiểm thất nghiệp).
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 123 của dự thảo cũng khẳng định Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp không được đề cập trong Luật này mà dự thảo Luật đang quy định thêm trợ cấp cho người cao tuổi (đang thực hiện theo Luật Người cao tuổi). Như vậy, với việc các chế độ bảo hiểm xã hội không được quy định (ít nhất là nêu tên) đầy đủ trong Luật này và các quy định về bảo hiểm xã hội giao thoa với các Luật khác chưa bao quát được hết quy định trong luật này, liệu có gây khó khăn trong quản lý Nhà nước, trong tổ chức thực hiện hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách về bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, trên cơ sở cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2015-2020 để đề ra định hướng cho thời gian tới.