GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHÀ Ở XÃ HỘI

23/08/2023

Tại đợt 2 của phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị nội dung cho phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội và cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết và giảm tối đa thủ tục hành chính; cần có thêm cơ chế, cách làm để huy động toàn dân tham gia thực hiện góp phần giải quyết nơi ở, chỗ ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp.

ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Toàn cảnh Hội thảo góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức

Nhằm hoàn thiện pháp luật về nhà ở nói chung và pháp luật liên quan tới nhà ở xã hội nói riêng, Luật Nhà ở đang được sửa đổi bổ sung với nhiều quy định mới. Chương VI, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định Chính sách đối với nhà ở xã hội bao gồm các quy định chung; quy định về phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang và chính sách hỗ trợ cho các thành viên hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở.

Các đại biểu ghi nhận các quy định về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khá toàn diện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội; đảm bảo tính thống nhất giữa quy định về nhà ở xã hội với các quy định chung về nhà ở, tính thống nhất với các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư. Nhiều nội dung được quy định cụ thể theo hướng luật hóa một số hướng dẫn trong các Nghị định, Thông tư nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thuận lợi, thống nhất. Đồng thời, chỉnh lý điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang được đầu tư xây dựng không phải bằng nguồn vốn đầu tư công; quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…Dự thảo Luật đã khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành trong đó đáng chú ý là đã bãi bỏ quy định về việc dành tỉ lệ 20% diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để làm nhà ở xã hội và tỉ lệ 20% nhà ở trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành hội thảo

Tại hội thảo nhiều ý kiến quan tâm đến quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Theo đó, đề xuất cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…

TS.Cấn Văn Lực đề nghị cần xem xét để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Dự thảo Luật quy định về 9 đối tượng nhưng thực tế có một số đối tượng không thực sự “mặn mà” đến nhà ở xã hội như đối tượng là người có công với cách mạng. Trong khi đó, một số đối tượng có nhu cầu rất cao về nhà ở xã hội nhưng chưa được quy định như người có thu nhập trung bình thấp. TS.Cấn Văn Lực cũng kiến nghị cần bỏ quy định yêu cầu đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, bởi quy định này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục và thời gian để có xác nhận của cơ quan thuế về việc thuộc đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Có cùng quan điểm về việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng dự thảo luật cần có quy định mở rộng đối tượng và phương pháp làm, đặc biệt kéo người dân vào tham gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang phát biểu

Phản ánh thực tiễn của tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đến phát triển nhà ở cho công nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 1000 căn nhà ở cho công nhân trong khi số công nhân đang làm việc tại địa phương là khoảng 200.000. Trong khi Luật còn đang lúng túng thì người công nhân vẫn đang ở trong các nhà trọ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng một trong những cơ chế, chính sách quan trọng nhất là phải cùng Nhân dân xây dựng nhà ở cho công nhân. Nếu như trước đây nhà trọ cho công nhân lụp xụp, điều kiện không đảm bảo thì nhiều gia đình gần các khu công nghiệp xây dựng các tòa nhà cho công nhân thuê. Vì vậy để bảo đảm thực hiện chủ trương giải quyết nơi ở, chỗ ở cho công nhân nhanh nhất và phù hợp với thực tiễn nhất là đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn và chuẩn hóa hơn giai đoạn trước đối với những căn nhà xây cho công nhân thuê, thuê mua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết thêm, Chính phủ giao Vĩnh Phúc đến năm 2025 xây dựng khoảng 9000 căn, giai đoạn 2026-2030 là 29.000 căn. Nhưng đến nay vẫn đang bàn thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Do đó, phải mở rộng đối tượng và phương pháp làm, đặc biệt kéo người dân vào tham gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang phải có cơ chế có dòng vốn ưu tiên cho người dân vay để xây nhà với lãi suất thấp vừa hình thành tài sản của người dân mà lại đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân. Đồng thời, đề nghị mở rộng ra cả “room” về nhà ở lưu trú. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhấn mạnh cách tiếp cận tốt nhất là có nhiều hình thức lựa chọn khác nhau, để cho nhiều phân khúc, nhiều đối tượng, nhiều chủ thể tham gia được nhiều nhất.

TS.Cấn Văn Lực phát biểu ý kiến

Theo TS. Cấn Văn Lực, đối với nhà ở xã hội cũng cần phải yêu cầu về bảo đảm hệ sinh thái có hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học…tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu đồng thời tránh tình trạng chỉ có xây nhà mà không có các thiết chế đi kèm dẫn đến không có người ở. Đồng thời cần quy định rõ hạ tầng xã hội thì do ai chủ trì, là địa phương hay chủ đầu tư?

Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Trần Anh Tuấn thì cho rằng dự thảo luật quy định nhà ở xã hội phải là nhà chung cư và nhà xã hội là nhà liền kề chỉ được xây các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là chưa thực sự phù hợp. Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Trần Anh Tuấn phân tích, việc xây dựng nhà chung cư chi phí xây dựng rất cao, cao hơn chi phí xây dựng nhà liền kề một trệt, một lầu, hoặc là một trệt khiến cho người dân khó tiếp cận được với nhà ở xã hội nhất là tại khu vực nông thôn hoặc một số tỉnh/thành có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, không nên bắt buộc nhà ở xã hội phải là nhà chung cư mà có thể là nhà liền kề và có thể ủy quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để quyết định về việc này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình đánh giá việc đáp ứng điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, có ý kiến đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng với các thông tin chính xác, đầy đủ để chủ đầu tư có nguồn thông tin cần thiết phục vụ việc đánh giá điều kiện mua nhà ở xã hội của khách hàng, đặc biệt là điều kiện về nhà ở.

Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Trần Anh Tuấn phát biểu

Có ý kiến cho rằng, cần thống nhất nhận thức rằng để mục tiêu, chiến lược phát triển toàn diện nhà ở xã hội, vai trò và trách nhiệm sẽ không thuộc riêng cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào mà phải là toàn xã hội. Để duy trì ổn định, phát triển nhà ở xã hội, cần tính đến phương án tích lũy, hỗ trợ tài chính lâu dài như: tích luỹ thông qua các khoản thuế về nhà ở, trái phiếu nhà ở…; thành lập các Quỹ như: Quỹ Đầu tư và phát triển nhà ở của từng địa phương; Quỹ phát triển đất để xây dựng nhà ở xã hội; Quỹ tiết kiệm nhà ở…

Do đó, cần tăng cường khả năng tiếp cận các gói vay ưu đãi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội qua việc bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được nhà nước chỉ định; quy định điều kiện vay, việc minh chứng các điều kiện vay thông thoáng, tận dụng tối đa ưu thế của dữ liệu dân cư, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan tránh việc “gây khó” cho người vay bằng các quy định chồng chéo, các thủ tục phức tạp. Việc đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, giúp doanh nghiệp mặn mà hơn với phân khúc sản phẩm này và người dân thực sự có điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến phát biểu, nêu rõ tinh thần chung là nghiên cứu để tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự linh hoạt, chủ động cho chính quyền địa phương quyết định những vấn đề phù hợp với năng lực. Gắn với vấn đề này là phải cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm bán nhà ở xã hội đúng đối tượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó, cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật để làm sao phát huy được trí tuệ của tập thể, trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học để sau khi Luật này được ban hành có được những chính sách mới, đột phá, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được mong mỏi của người dân trong việc thực hiện quyền Hiến định về có nơi ở, có chỗ ở, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tham gia vào thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng./.

Bảo Yến