CÂN NHẮC CÁC QUY ĐỊNH VỀ THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

28/08/2023

Góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng ngày 28/8, nhiều đại biểu quan tâm, góp ý hoàn thiện quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; có ý kiến đề nghị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và khả thi về con người và hạ tầng công nghệ để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin của công dân.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/8: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4, NHIỆM KỲ KHOÁ XV

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề quan trọng và được quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trong đó quy định cụ thể về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quan tâm đến nội dung này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, tại Điều 15 dự thảo luật quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước rất đầy đủ, chi tiết, nhiều thông tin liên quan đến vấn đề đời tư cần bảo mật chặt chẽ, đặc biệt là những thông tin về nhân dạng và sinh trắc học. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 16 chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện yêu cầu giám định.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cơ sở dữ liệu căn cước chứa đựng những dữ liệu tối quan trọng thuộc bí mật đời tư của mỗi cá nhân, bất kỳ sự lộ, lọt thông tin nào đều gây những hệ lụy khó lường. Vì vậy, Bộ Công an cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và khả thi về con người và hạ tầng công nghệ để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, những thông tin cá nhân quan trọng cần bảo mật chỉ được thu thập, lưu trữ khi có một hạ tầng công nghệ thực sự vững chắc và an toàn.

Khoản 3, Điều 15 Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định: “Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói”. Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không nhất thiết và không bắt buộc người dân phải có những thông tin này mà từng bước cập nhật, đặc biệt là nhóm máu hay AND. Do vậy, những thông tin này chỉ là tính tự giác, nếu người dân có những thông tin này cung cấp cho các cơ quan quản lý để lưu vào cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ hợp lý hơn.

Tán thành với các quy định tại Điều 9 về Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, dự thảo luật bổ sung thêm nhiều thông tin công dân để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia, như cơ sở dữ liệu căn cước, nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử tại Điều 9, thông tin về sinh trắc học như ảnh, khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói tại Điều 15. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Tạo, thông tin như dự thỏa luật là quá nhiều và thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thông tin AND, gần như đây là thông tin bí mật cuối cùng của mỗi cuộc đời con người.

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định thông tin ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp nhưng cũng quy định trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý, người bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin chính xác về ADN.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng 

Đại biểu cho rằng, quy định chia sẻ giọng nói của cá nhân công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam để cơ quan quản lý căn cước cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước là không rõ ràng. Đại biểu băn khoăn, liệu người bị cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thu thập ADN, giọng nói có tự nguyện cập nhật thông tin ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước hay không?. Trong khi đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về tố tụng hình sự cũng chưa có quy định về việc thu thập thông tin này. Ngoài ra, trong dự thảo luật cần quy định rõ thông tin bắt buộc thu thập những thông tin công dân tự nguyện cung cấp cho cơ sở dữ liệu căn cước vào Điều 37 cho thống nhất với quy định tại Điều 11.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị đề nghị quy định thống nhất về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia (quy định tại Điều 9, Điều 18, Điều 30). Cụ thể, Điều 9 quy định nơi sinh và nơi đăng ký khai sinh ở 2 khoản khác nhau nghĩa là có hai trường thông tin cần phải được thể hiện. Điều 18 quy định nơi sinh/nơi đăng ký khai sinh, nghĩa là có thể lựa chọn 1 trong 2, còn Điều 30 chỉ yêu cầu nơi sinh. Về nội dung này, đại biểu đề nghị nghiên cứu để quy định thống nhất và cân nhắc thông tin nào cần cho sự quản lý của nhà nước về công dân. Đại biểu đề xuất nên quy định như luật hiện hành là nơi đăng ký khai sinh, bởi quy định nơi sinh không phải trường hợp nào nơi sinh cũng là thông tin cần phải quản lý. Trên thực tế, do những điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau mà nơi sinh của một người có thể khác nhau, nhưng thông tin cần quản lý đó là thông tin về nơi đăng ký khai sinh.

Qua nghiên cứu dự thảo luật về quy định thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Điều 9 và danh tính điện tử của công dân Việt Nam tại Điều 32, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nhận thấy các trường thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử chưa có sự thống nhất. Cụ thể, Điều 32 dự thảo luật quy định danh tính điện tử của công dân Việt Nam bao gồm vân tay, tuy nhiên trong Điều 9 dự thảo luật quy định thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lại không quy định bao gồm vân tay. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đảm bảo sự thống nhất trong dự thảo luật.

Cũng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã giải trình, tiếp thu một số nội dung đại biểu góp ý tại Kỳ họp thứ 5 liên quan đến thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, có ý kiến băn khoăn về cơ sở để thực hiện và tính bảo mật đối với thông tin quy định tại 2 điều này; đề nghị nêu rõ sự cần thiết và đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung cập nhật theo chính sách mới và làm rõ việc cập nhật sẽ được triển khai như thế nào; làm rõ về chi phí, trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin về nhóm máu, giọng nói, ADN.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng, tại Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình chỉ quy định cập nhật các thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân…

Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 04 trường thông tin (Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh) để tạo lập số định danh cá nhân, phục vụ công tác quản lý dân cư. Các trường thông tin còn lại nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của công dân, thuộc 04 nhóm thông tin sau: (1) Các thông tin về hộ tịch và cư trú: nhằm xác định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, xác định địa vị pháp lý của người dân…; (2) Thông tin về nhóm máu: nhằm phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám, chữa bệnh…; (3) Các thông tin về số điện thoại, địa chỉ thư điện tử: để phục vụ liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân và thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…; (4) Nhóm thông tin khác theo quy định của Chính phủ để dự phòng, bảo đảm thích ứng với công tác chuyển đổi số trong từng thời kỳ, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Tại Điều 11 và Điều 17 của dự thảo Luật Chính phủ trình đã quy định cụ thể việc thu thập, cập nhật thông tin của công dân từ tàng thư căn cước và các cơ sở dữ liệu hiện có, chỉ thu thập thông tin từ công dân trong một số trường hợp chưa có thông tin trong các cơ sở dữ liệu và trên cơ sở công dân tự nguyện cung cấp; việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự, thông qua hoạt động tố tụng hoặc hoạt động xử lý vi phạm hành chính, không thu thập trực tiếp từ người dân. Đối với các trường thông tin khác là những thông tin không bắt buộc, được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân.

Để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, Thường trực UBQPAN xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, Thường trực UBQPAN kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa. 

Có ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu quy định các trường thông tin theo hướng có những thông tin mang tính bắt buộc, có những thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, có những thông tin thay đổi thường xuyên, có những thông tin do người dân tự nguyện cung cấp... bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện và khả thi.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc và làm rõ quy định việc cập nhật một số trường không tin thiếu tính ổn định, thường xuyên thay đổi; bổ sung trường thông tin tên gọi khác, tên thường dùng, trường thông tin nơi sinh. Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều này và Điều 10, Điều 16 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể việc phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan và người dân kiểm tra, thu thập, cập nhật những thông tin còn thiếu, có thay đổi hoặc sai sót để bảo đảm tính chính xác của thông tin và thống nhất trong các cơ sở dữ liệu.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hoặc quy định đầy đủ hơn về một số trường thông tin quê quán; tôn giáo; nhóm máu; số chứng minh nhân dân 09 số; nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại; ngày, tháng năm chết hoặc mất tích; số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

Giải trình của Thường trực UBQPAN đã nêu: Việc xác định quê quán và thông tin về quê quán đã được quy định trong Luật Hộ tịch; việc xác định các thông tin về tôn giáo thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng và tôn giáo; việc thu thập thông tin về nhóm máu của công dân trên cơ sở thông tin do công dân cung cấp và chia sẻ dữ liệu về y tế; thông tin về số chứng minh nhân dân 09 số để phục vụ việc xác thực thông tin của công dân đối với các giao dịch, thủ tục hành chính sử dụng thông tin trong Giấy chứng minh nhân dân (09 số) đã thực hiện trước ngày Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực (trước khi công dân được cấp số định danh cá nhân 12 số); thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại để xác định rõ tình trạng cư trú của người dân theo từng thời điểm, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về cư trú; việc cập nhật thông tin ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu hộ tịch dựa trên thủ tục khai tử hoặc thông báo mất tích với cơ quan Công an; các trường thông tin số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử là những thông tin không bắt buộc, sẽ được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ lợi ích của người dân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ các nội dung này như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Lan Hương