RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC TRONG SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

30/08/2023

Theo Chương trình làm việc, sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý tuy nhiên, một số nội dung vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng đặc biệt là đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất chung trong hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông nguồn lực về đất đai...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/8: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4, NHIỆM KỲ KHOÁ XV

Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV

Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 264 điều (bỏ 06 điều, bổ sung 07 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5); thể chế hóa cơ bản đầy đủ các nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết số 18-NQ/TW).

Nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản cập nhật, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, dự thảo được xây dựng dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013; quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/06/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được ý kiến của hơn 12 triệu góp ý của Nhân dân (tổ chức từ ngày 04/01/2023 - ngày 31/03/2023) và được các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 03 (tháng 10/2022); kỳ họp thứ 04 (tháng 05/2023).

Đánh giá cao Ban Soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, để nâng cao chất lượng của dự thảo Luật quan trọng này, các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, các quy định về chế độ sử dụng đất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

 PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, bản dự thảo lần này so với các bản Dự thảo trước đã có khá nhiều các nội dung được tiếp thu, sửa đổi và bổ sung, trong đó có vấn đề thu hồi đất (chương VI) và vấn đề Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (chương VII).

Nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp nhất, gây nhiều tranh cãi nhất từ các diễn đàn hội nghị, hội thảo và các ý kiến phản hồi cho người dân về các nội dung sửa đổi trong dự thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga  lưu ý, nội dung này cần được tiếp tục được nghiên cứu, rà soát một cách cẩn trọng, đảm bảo cả về hình thức, sự chuẩn xác về thuật ngữ pháp lý, sự phù hợp của các quy định được sửa đổi.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ tài nguyên và môi trường

Quan tâm tới nội dung “thích ứng biến đổi khí hậu” trong luật đất đai sửa đổi 2023, PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ tài nguyên và môi trường cho biết, Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Tại Nghị quyết này, liên quan đến nội dung “thích ứng với biến đổi khí hậu” trong mục “2.1. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” yêu cầu “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh, trong luật đất đai sửa đổi 2023 đối với các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần thể hiện được yêu cầu về “thích ứng với biến đổi khí hậu”. Từ yêu cầu này trong Nghị quyết của Đảng, xem xét nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể hóa trong luật đất đai sửa đổi như thế nào là hết sức cần thiết.

TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Tiếp cận dự thảo luật, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, bản dự thảo cập nhật lần này, dù số lượng chương và điều về cơ bản vẫn giữ nguyên so với dự thảo tháng 6/2023, song các nội dung chỉnh sửa chi tiết hơn, thể hiện sự cẩn trọng, khoa học trong việc chọn lọc các từ ngữ, thuật ngữ phù hợp, chuẩn xác, tăng tính logic kết nối, logic giữa các chương, các cấu phần và giữa các điều khoản.

TS.Cấn Văn Lực lưu ý, để có thể sớm hoàn thiện và ban hành Luật đất đai, cần chú trọng các yếu tố sau: Tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật đất đai theo hướng tổng quát cao (các nội dung quy định chi tiết hiện nay nên xem xét đưa vào các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định, thông tư, văn bản quy định của các Bộ ngành). Đồng thời, nên sớm lựa chọn, quyết định các phương án phù hợp nhất (với các nội dung đang để nhiều phương án) theo hướng đảm hòa lợi ích của Nhà nước và các chủ thể sử dụng đất; đưa ra các căn cứ, giải thích khoa học, thuyết phục với trường hợp loại bỏ/bổ sung các nội dung, điều luật;...

Cũng theo TS.Cấn Văn Lực cần nhất quán các nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật đất đai với các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, các Luật Thuế…, góp phần khơi thông các nguồn lực về đất đai cho phát triển kinh tế xã hội bền vững; chú trọng kết hợp 3 yếu tố quan trọng để tăng hiệu quả thực thi các quy định Luật đất đai, đó là“chuẩn hóa quốc tế - chế tài nghiêm minh - vai trò, trách nhiệm của các cấp, người đứng đầu”./.

Lê Anh

Các bài viết khác