BỎ VÂN TAY, THÊM DỮ LIỆU SINH TRẮC HỌC VÀO DỰ ÁN LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI)

31/08/2023

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), tiếp tục được hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào sáng 28/8/2023, trong đó sửa đổi, bổ sung một số thông tin. Quan tâm đến nội dung này, nhiều người dân và cả ĐBQH có ý lo ngại về khả năng có phải đổi gần 90 triệu Thẻ căn cước công dân gắn chip mới nhận được, hay không? Ai sẽ phải đổi thẻ và nếu đổi có mất thời gian không? Lo ngại nhất là những giao dịch có bị ảnh hưởng gì, do thay đổi tên thẻ Căn cước công dân?

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/8: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4, NHIỆM KỲ KHOÁ XV

Lo ngại đổi thẻ căn cước gắn chip.

Chiến dịch cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chip đã và vẫn đang được tiến hành. Theo Bộ Công an, đến nay đã cấp được khoảng 90 triệu Căn cước công dân gắn chip. Bởi, theo Dự thảo luật căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi tên “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”...nhiều người lo ngại sẽ khó khăn nảy sinh khi sử dụng. Chị Nguyễn Thị Ngân đang sinh sống tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ “Theo tôi, quê quán thì có thể bỏ được, nhưng mà dấu vân tay với tên thì phải thể hiện trên căn cước. Bởi vì mỗi một công dân khi kiểm tra hay xuất trình giấy tờ, thì nó phải có những cái đơn giản như thông tin của mình nó thể hiện ra. Đến lúc đấy lại phải check những chỗ khác thì nó rất bất tiện”.

Theo Bộ Công an, đến nay đã cấp được khoảng 90 triệu Căn cước công dân gắn chip

Người dân cũng lo ngại sẽ phải đi đổi thẻ căn cước công dân hiện nay một lần nữa, như đã từng đổi thẻ không gắn chip sang thẻ gắn chip. Việc thay đổi liên tục, khiến tất cả sẽ phải đi lại nhiều lần. Chưa kể, đã từng phát sinh thủ tục như phải xin Giấy xác nhận cư trú sau khi bỏ hộ khẩu giấy, hay Giấy xác nhận sau khi bỏ Chứng minh nhân dân 9 số. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và cam kết sau khi sửa Luật Căn cước tới đây, là sẽ không phát sinh thêm vướng mắc. Tuy nhiên, Thiếu tá Đỗ Minh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã giải thích: “Công an phường vẫn đang phối hợp với quận để cấp căn cước công dân gắn chip, và căn cước công dân cũ này vẫn đang có giá trị. Trong thời gian tới luật được chính thức triển khai sâu rộng và đồng thời có phôi thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm. Hiện chúng ta đang dùng phần mềm VNEID đã tích hợp mức 2 rồi, có toàn bộ trong dữ liệu rồi. Chúng ta đi làm bất cứ việc gì cả đi sân bay thì chúng ta vẫn phải xuất trình căn cước công dân gắn chip vật lý”.

Theo Bộ Công an, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ CCCD, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD có gắn chip điện tử. Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD, là nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng.

Còn ý kiến khác nhau về đổi tên luật và tên thẻ căn cước.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, có 17 ý kiến đề nghị đổi tên gọi thành Luật Căn cước và đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của người gốc Việt Nam, cũng như đánh giá kỹ tác động về đối tượng điều chỉnh và nguồn kinh phí tăng thêm, khi đổi tên Thẻ căn cước. Ngược lại, 22 ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân. Đồng thời, cần quy định việc cấp giấy tờ phù hợp cho đối tượng người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam tại các điều khoản thi hành.  

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Như đã nói, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đã cho ý kiến với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Dự thảo mới nhất này đã bổ sung vào dữ liệu căn cước công dân những thông tin sinh trắc học, gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Về tên gọi của Thẻ căn cước, hiện còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý với tên mới Thẻ căn cước như Dự thảo luật. Ưu điểm là thể hiện đúng bản chất của thẻ, là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân, giúp phân biệt người này với người khác, xác định danh tính trong thực hiện giao dịch. Cũng bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề cho hội nhập và công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước. Không phát sinh chi phí, vì thẻ căn cước công dân hiện tại vẫn còn giá trị sử dụng đến thời điểm đổi thẻ.

Về hạn chế, có tâm lý e ngại việc thay đổi tên thẻ làm phát sinh thủ tục và chi phí đổi thẻ, dẫn đến xáo trộn khi thể hiện thông tin về thẻ căn cước/thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ của công dân có sử dụng thông tin thẻ. Chưa thể hiện tính chất cá thể hóa và không thể hiện địa vị pháp lý của người được cấp thẻ là công dân Việt Nam.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), việc đổi tên thành Luật Căn cước là phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng bao gồm cả người gốc Việt đang sinh sống tại VN nhưng chưa xác định được quốc tịch: Tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ để xây dựng luật. Hai là, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy hiện nay mới chỉ có 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch do nhiều nguyên nhân khác nhau, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, con số 31.000 người chỉ chiếm 0,031% tổng dân số Việt Nam hiện tại, nhưng không phải vì chỉ chiếm số phầm trăm ít ỏi mà những người này sẽ bị bỏ qua, họ đang hiện hữu, đang sinh sống, đang là một phần máu thịt của cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên tên Thẻ căn cước công dân như luật hiện hành. Việc sử dụng tên Thẻ căn cước công dân, có ưu điểm là thể hiện rõ công dân Việt Nam. Khẳng định địa vị pháp lý ngay từ tên thẻ; thể hiện tính cá thể hóa của người được cấp thẻ. Về hạn chế, chưa bảo đảm sự tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới, có thể dẫn đến không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế. Ngược lại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng: Chúng ta cũng không thể áp dụng cả một Luật Căn cước đối với một đối tượng đồng bộ với công dân Việt Nam được. Rõ ràng giấy tờ tùy thân phải quy định hai loại, một là thẻ căn cước, chúng ta cũng không đánh đồng và hai là giấy chứng nhận căn cước. Đối tượng công dân Việt Nam thuộc vào quy định của pháp luật Việt Nam, còn đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các tổ chức quốc tế khác. Chúng ta không có quyền và luật pháp Việt Nam để điều chỉnh những đối tượng này. Tôi nghĩ cần suy nghĩ và cần cân nhắc kỹ hơn câu chuyện đưa một bộ phận 31.000 hoặc hơn nữa vào luật này-ông Hạ nói.

Dự thảo Luật lần này cũng yêu cầu bổ sung nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, mống mắt, ADN, giọng nói... nhưng đề xuất bỏ vân tay và mục Quê quán đi. Theo các đại biểu, đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ chi phí, trách nhiệm việc cung cấp thông tin về nhóm máu, giọng nói, AND hay Nơi sinh. Theo Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), các trường thông tin bổ sung vào cơ sở dữ liệu căn cước trong dự thảo là "quá nhiều". Trong đó, bổ sung ADN, giọng nói, vào cơ sở dữ liệu là thiếu tính khả thi vì ADN là thông tin bí mật của mỗi người- Thông tin ADN, gần như đây là thông tin bí mật cuối cùng của mỗi cuộc đời con người. Dự thảo có quy định thông tin ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp nhưng cũng quy định trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý, người bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin chính xác về AND-vị đại biểu này nêu quan điểm.

Ý kiến đồng tình và chưa đồng tình đổi tên Luật và tên thẻ căn cước, là gần ngang nhau. Chưa đồng tình đổi tên thẻ là vẫn lo ngại lãng phí, mất thời gian. Còn lo ngại bổ sung quá nhiều thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước, nhất là bổ sung ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu…bị cho là thiếu tính khả thi, cũng không phải vô cớ. Mà việc bảo mật thông tin ở ta, phải nói là chưa tốt. Bằng chứng là nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn “ngẫu nhiên” biết được số ĐT, tên-tuổi của con cái…để suốt ngày gọi, chào mời các sản phẩm-dịch vụ, là ví dụ cụ thể.  

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Còn đại diện Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện tối ưu nhất Dự thảo Luật. Luật dễ hiểu, dễ thực hiện, không đánh đố, là mong muốn đại đa số của người dân-những người phải tuân theo pháp luật. Việc quy định những thông tin, điều khoản trong Dự thảo luật, phải phù hợp với yêu cầu quản lý, đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân.

Ngọc Dũng