CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CẦN NỖ LỰC CAO HƠN, QUYẾT TÂM LỚN HƠN, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ HƠN NHẰM ĐƯA CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI VÀO CUỘC SỐNG
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh,hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã tập trung đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 08 luật, 08 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Hội nghị có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu tại điểm cầu chính, trên 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 địa phương
Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong ba vấn đề trọng tâm Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật…
Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV là kịp thời và cần thiết. Đây là một trong số rất nhiều điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Kết quả của Hội nghị sẽ góp phần quan trọng đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khâu thực thi pháp luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật cho rằng, việc chú trọng đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả điều chính của pháp luật là vô cùng cần thiết.
Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, từ tổng kết thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thấy, khâu tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh pháp luật chưa cao. Nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật còn bị coi nhẹ, chưa có những giải pháp thực sự đột phá trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính cho tổ chức thực hiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của công tác này. “Thực tế đã cho thấy, dù chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt nhưng nguồn lực, công cụ và biện pháp thực thi chưa tốt, ý thức pháp luật của người dân chưa cao thì hệ thống pháp luật đó cũng chỉ nằm trên giấy mà không đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng được…”, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh.
Do đó, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần đầu tư nguồn lực tài chính thỏa đáng cho xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thực hiện pháp luật, coi đây là một nguồn lực đầu tư công trung hạn và hằng năm của Nhà nước; cần đổi mới cơ bản các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức tiếp cận pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội; chuẩn hóa các chế tài pháp lý đủ mạnh, có tính răn đe và phòng ngừa cao; xử lý vi phạm pháp luật nghiêm minh, nhất quán, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của điều chỉnh pháp luật.
Nghiên cứu về nội dung này, GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả. Đòi hỏi này hàm chứa yêu cầu pháp luật phải được thi hành.
GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, pháp luật chỉ thực sự có giá trị nếu được thực hiện nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả là thước đo tính hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước. Điều này có nghĩa pháp luật chứa đựng những quy trình thực hiện gắn với thời hạn, trách nhiệm, những chế tài phù hợp đối với hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các vi phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, nghiêm minh; hiệu quả pháp luật thể hiện trong tương quan giữa xây dựng, thi hành pháp luật và kết quả của việc thi hành pháp luật.
Các ý kiến chuyên gia cũng lưu ý, việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo một hệ thống tiêu chuẩn phổ quát, toàn diện và rất cao so với thực tế hiện nay ở nước ta. Đồng thời, cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện, cần bám sát lý luận về nhà nước pháp quyền, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hiến pháp, pháp luật, và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Nghị quyết 27-NQ/TW./.