ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 5 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Toàn cảnh cuộc làm việc
Tham dự về phía Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát…
Về phía đại diện Chính phủ và các bộ ngành có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các bộ ngành: Bộ Nội vụ, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, đại diện NHCSXH, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, sau hơn 1 năm triển khai giám sát, đến nay về cơ bản, Đoàn đã hoàn thành công việc bước đầu, cuộc làm việc này nhằm thống nhất những nhận định, đánh giá lớn và các kiến nghị về kết quả giám sát đối với Chính phủ, Quốc hội, UBTVQH.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà các thành viên Đoàn, các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các bộ ngành đã tạo mọi điều kiện, cung cấp thông tin, báo cáo bổ sung tình hình theo đề nghị của Đoàn giám sát.
Đồng thời đánh giá cao quá trình triển khai Đoàn giám sát cũng là quá trình Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong 2 năm qua. Đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra giám sát, nhiều cuộc giao ban, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc từ 339 kiến nghị của các địa phương; đã tập trung xử lý kịp thời nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với thực tiễn, các Quyết định của Chính phủ, các thông tư, hướng dẫn, các công văn chỉ đạo khác đối với 3 CTMTQG.
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát đã phân tích tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát bước đầu và báo cáo lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH. Tại Phiên họp thứ 25 vừa qua, UBTVQH đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát, đồng tình với nhận định ban đầu về triển khai của Đoàn giám sát đã đi đúng trọng tâm trọng điểm, qua giám sát đã tạo được chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và về chỉ đạo thực hiện 3 CTMTQG thời gian qua.
Để đấy nhanh tiến độ, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về kết quả 3 CTMTQG, UBTVQH đề nghị cần bổ sung đánh giá kế thừa, phát huy giai đoạn trước của 2 CTMTQG giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của CTMTQG, có nhận xét biểu dương, dẫn chứng các mô hình hay và hiệu quả của các địa phương
UBTVQH cũng đề nghị phân tích, làm rõ tồn tại, hạn chế, bất cập, yếu kếm và nguyên nhân của từng CTMTQG, trong đó lưu ý việc ban hành quá nhiều văn bản, chậm ban hành, có nội dung không đảm bảo chất lượng chậm giải ngân vốn, tính bền vững, tính thực chất kết quả của xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, vấn đề đất ở, đất sản xuất, nhà ở, thu nhập, sinh kế và hạ tầng thiết yếu ở đồng bào DTTS&MN. Từ đó mới xác định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Đồng thời bổ sung đầy đủ các kiến nghị của các CTMTQG và xác định các kiến nghị theo đúng thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, cuộc làm việc nhằm hoàn thiện một bước toàn văn Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát, sau khi UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26 thì Đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ hợp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Cả 3 CTMTQG đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 CTMTQG, phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề. Đoàn giám sát cần phải giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp. Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh các CTMTQG đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hộiNguyễn Lâm Thành
Đoàn giám sát chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ công tác, các đoàn giám sát, tiến hành giám sát trực tiếp tại 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mục tiêu của các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội xác định cả 3 Chương trình đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được cải thiện.
Tính đến 30/6/2023, cả nước có 73,65% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2022 giảm 1,17%, vùng DTTS&MN giảm 3,4% đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao; tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hoàn thành khối lượng lớn các văn bản về quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG; tổng hợp 339 kiến nghị của địa phương và ban hành Công điện 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công, giao nhiệm vụ cho 18 bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, trả lời và tham mưu, sửa đổi Nghị định 27 và Thông tư, văn bản có liên quan khác.
Còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện 3 CTMTQG, nhất là việc ban hành VBQPPL
Các thành viên Đoàn giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG như kết quả xây dựng nông thôn mới chưa có chiều sâu, thiếu bền vững; nợ, hụt tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới, nhất là ở địa bàn khó khăn; giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, bao trùm, bền vững, chưa hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS&MN.
Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền quản lý, hướng dẫn, thực hiện dự án, tiểu dự án, chính sách. Các văn bản chính ban hành chậm, số lượng văn bản ban hành quá nhiều với khoảng 120 văn bản của Trung ương và 40 văn bản của địa phương.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương còn có hạn chế chưa thực sự phát huy chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của cơ chế 01 Ban chỉ đạo chung 3 CTMTQG. Còn có sự trùng lắp về đối tượng, phạm vi, địa bàn, nội dung thực hiện thực hiện ở cả 3 CTMTQG (nhất là các chương trình giảm nghèo, chương trình dân tộc)…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, những hạn chế nêu trên đã làm cho tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn chậm, ước đạt khoảng 47% kế hoạch. Qua đó, Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị đối với Quốc hội, UBTVQH, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.
Cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát
Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát mà Đoàn giám sát đã nêu, tán thành với các nội dung về kết quả đạt được, nguyên nhân, tồn tại, hạn chế…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cơ bản đồng tình với nội dung cơ bản trong Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát và cho rằng, nếu muốn đạt mục tiêu thực hiện các Chương trình này vào năm 2025 thì phải nỗ lực, đầu tư rất nhiều công sức. Phó Thủ tướng đã giải trình, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 CTMTQG của các bộ ngành và địa phương trong thời gian qua, nhất là số lượng văn bản ban hành quá nhiều và chậm ban hành. Đồng thời thừa nhận trách nhiệm về các hạn chế, bất cập mà Đoàn giám sát đã nêu như khái niệm “lồng ghép” còn nhiều vấn đề, việc phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương, năng lực cán bộ còn hạn chế… Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, kể từ sau tháng 6/2023, sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Nghị định 27 và ban hành thêm 6 Thông tư hướng dẫn, tốc độ đã có tiến triển và chuyển biến nhất định. Phó Thú tướng cho biết sẽ tiếp tục khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Đồng tình với dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các nội dung trong Báo cáo giám sát đánh giá khách quan, đầy đủ, trên cơ sở đánh giá đầy đủ của các bộ ngành và địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cơ bản tán thành về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, trong phạm vi giám sát 3 CTMTQG, có cả trách nhiệm của các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị nêu thêm nội dung này trong báo cáo giám sát để triển khai đồng bộ.
Về công tác chỉ đạo, điều hành của 3 CTMTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị trong Báo cáo giám sát làm rõ nét hơn vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 3 CTMTQG. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG và các bộ ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, 3 CTMTQG là nội dung chuyên đề được đưa vào các phiên họp của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ban hành rất nhiều Công điện, chỉ đạo trực tiếp, đặc biệt vấn đề tháo gỡ khó khăn. Ban Chỉ đạo họp thường xuyên, tổ chức nhiều đoàn công tác, kiểm tra nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Trên tinh thần đó, các bộ ngành phối hợp với các địa phương đến nay cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Đoàn giám sát cập nhật thêm thông tin, đền hết ngày 31/8/2023, hệ thống văn bản pháp lý cơ bản đã hoàn thiện. Về kết quả thực hiện CTMTQG, mong muốn Đoàn giám sát bổ sung thêm số liệu cập nhật của cả 3 CTMTQG đến ngày 31/8/2023.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kiểm toán nhà nước cũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm như về hạn chế, bất cập, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG; về vấn đề chưa đạt chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm; về xây dựng và hoàn thiện Sổ tay điện tử hướng dẫn thực hiện các CTMTQG; về vấn đề cập nhật số liệu…
Đề nghị Thường trực Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hoàn thiện Báo cáo và cập nhật số liệu
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau thời gian làm việc có ý nghĩa, cuộc làm việc đã đạt kết quả tốt đẹp, cơ bản thống nhất được các nhận định, đánh giá mà Đoàn giám sát nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các bộ ngành trung ương, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phó Thủ tướng để hoàn chỉnh báo cáo với tinh thần đồng hành, chia sẻ với Chính phủ, bởi đây là việc chung của đất nước, không phải của riêng ai và “giám sát không phải để đổ thừa qua lại”.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và các bộ ngành đã tạo điều kiện để Đoàn giám sát làm việc trong suốt hơn một năm qua. Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, việc tháo gỡ vướng mắc thực hiện 3 CTMTQG trong một năm qua rất tích cực, đề nghị trong Báo cáo toàn văn và Báo cáo tóm tắt sẽ đưa thêm đánh giá này và cập nhật số liệu đến tháng 9/2023.
Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành với tinh thần quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện ở cơ sở, báo cáo bổ sung và cập nhật số liệu, đề nghị Thường trực Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan bổ sung toàn văn Báo cáo, hệ thống số liệu để hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Quang cảnh cuộc làm việc
Để đấy nhanh tiến độ, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.
Các thành viên Đoàn Giám sát tham dự cuộc làm việc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề mà Đoàn giám sát nêu.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh giải trình thêm về vấn đề chưa đạt chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm.
Về công tác chỉ đạo, điều hành của 3 CTMTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị trong Báo cáo giám sát làm rõ nét hơn vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 3 CTMTQG.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực hết sức trong thời gian qua để triển khai thực hiện 3 CTMTQG.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn báo cáo bổ sung các số liệu theo yêu cầu của Tổ công tác Đoàn giám sát, đảm bảo cho việc nhận định, đánh giá, phân tích các cơ sở kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam về Chương trình xây dựng NTM bền vững, tuy nhiên đề nghị Bộ làm rõ thêm về vấn đề tụt tiêu chí.
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh giải trình, làm rõ thêm về vấn đề nợ đọng trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc./.