THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN MỞ RỘNG, THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

11/09/2023

Chiều 11/9 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH GÓP Ý CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

 Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía Bộ Quốc phòng có Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, cùng đại diện Ban soạn thảo; đại diện Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện Nghị quyết số 89 ngày 2/6/2023 của Quốc hội khoá XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 428 ngày 3/9/2023 về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới mong nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, thẳng thắn, cởi mở của nhiều đại biểu, đại diện các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, qua đó giúp Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26 tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm toàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở cộng viên công nghiệp.

Đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an dự phiên họp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng sẽ phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp đặc thù Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh - Minh Hùng