UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT, CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng gia tăng
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, cơ quan công an phát hiện hơn 13 nghìn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức VoIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber...
Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị.
Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự liên kết giữa trong nước và nước ngoài, hoạt động phạm tội xuyên quốc gia. Kết quả phối hợp xác minh thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ thông qua hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm nói chung và tương trợ tư pháp hình sự nói riêng còn hạn chế, kéo dài...
Cùng với đó, hành lang pháp lý quy định về tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới
Trước thực trạng này, tại phiên họp 26 Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới đánh giá, dù cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, cùng với sự mở rộng của hệ thống phủ sóng internet và mạng xã hội, việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến, ở nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện thủ đoạn của các tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm
Các đối tượng này khai thác điểm yếu về dân trí và sự thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, cả tin, nhẹ dạ của đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan pháp luật, cán bộ nhà nước, giả danh khách hàng mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo nâng cấp sim, hack tài khoản, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên qua mạng. Các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ để làm giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại tham gia mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không chỉ riêng đồng bào ở những nơi khó khăn, kể cả những người có nhận thức nhất định cũng vẫn có thể bị lừa và vừa qua nhiều nơi đã bị lừa về việc này. Từ thực tế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến thừa nhận, trong năm 2023, có nhiều loại tội phạm mới, với những phương thức, thủ đoạn mới để đối phó với các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Khẳng định đây là những thách thức đối với lực lượng thực thi pháp luật, nên Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Cần triển khai giải pháp quyết liệt
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên internet tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người bị hại. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ cần phân tích, dự báo xu hướng tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới; làm rõ trách nhiệm, giải pháp của các cơ quan có trách nhiệm đối với các loại tội phạm mới như: các hình thức lừa đảo trên mạng; tội phạm không gian mạng; tín dụng đen...
Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được xác định là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn; Phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện nhằm răn đe, giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân biết; xây dựng cơ chế phối hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông, ngân hàng trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm trên không gian mạng.