DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2023: THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, KIẾN TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CHO NỀN KINH TẾ
CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG TRƯỚC THỀM DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023
Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngoài điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các Học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học. Dự kiến khoảng 400 - 450 đại biểu tham dự trực tiếp.
Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững"
Về chương trình làm việc, Diễn đàn gồm một Phiên họp toàn thể và hai Phiên họp chuyên đề. Trong đó, Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn. Phiên khai mạc của Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.
Chia sẻ trước thềm Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 vừa có ý nghĩa cấp bách ngắn hạn cho năm 2023 và ý nghĩa về chiến lược dài hạn giai đoạn 2021-2030. Diễn đàn là kênh cung cấp thông tin, luận cứ quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ việc sơ kết, đánh giá tình hình triển khai các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó hoàn thiện các Báo cáo, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Thưa ông, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", xin ông cho biết ý nghĩa của Diễn đàn là gì?
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Tôi cho rằng, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 vừa có ý nghĩa cấp bách ngắn hạn cho năm 2023 và ý nghĩa về chiến lược dài hạn cho giai đoạn 2021-2030.
Về ý nghĩa cấp bách cho những tháng còn lại của năm 2023, Diễn đàn sẽ thảo luận những nội dung tập trung vào nhận diện các rào cản, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Từ đó đề xuất các giải pháp khơi thông các nguồn lực, tăng cường năng lực nội sinh, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất định; kinh tế trong nước mặc dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Hơn nữa, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nên trong Phiên Chuyên đề thứ hai có nội dung về chính sách bảo đảm an sinh, xã hội trong đó có chính sách nhà ở cho người dân. Qua các ý kiến sẽ cung các luận cứ góp phần xây dựng, sửa đổi Luật Nhà ở trong thời gian tới.
Về ý nghĩa dài hạn, chiến lược, Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đánh giá lại một nửa giai đoạn thực hiện Kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 - đây là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thứ hai, Diễn đàn cũng đánh giá yếu tố nội sinh của nền kinh tế, trong đó có yêu cầu đặt ra nâng cao năng lực tự chủ, độc lập, tự cường của nền kinh tế đi đôi với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Thứ ba, Diễn đàn cũng tập trung thảo luận các giải pháp dài hạn về nâng cao năng suất. Trong 3 năm qua (2020-2023), dự báo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất toàn xã hội không đạt chỉ tiêu đề ra, dự kiến 2023 năng suất chỉ đạt 3,7-4,75%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5-6%; cả giai đoạn 2021-2025 mục tiêu đặt ra trên 6%, như vậy tăng năng suất lao động là chỉ tiêu khó khăn, nhưng chỉ tiêu này phản ánh chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, Diễn đàn tập trung thảo luận về đổi mới chính sách, đặc biệt là đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, chính sách về phát triển nguồn nhân lực đi đối với chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, nội ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thúc đẩy năng suất lao động.
Thứ tư, một trong những vấn đề dài hạn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới đó là chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Do vậy, mục tiêu của Diễn đàn sẽ tập trung các nội dung mang tính dài hạn, để có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển xanh của nền kinh tế, hiện thực hóa định hướng, chủ trương đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phóng viên: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đã tác động đến kinh tế Việt Nam, theo ông Diễn đàn lần này cần ưu tiên trọng tâm thảo luận vào các nội dung gì?
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Theo tôi, trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn tập trung vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là cơ chế, chính sách cấp bách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2023; nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tháo gỡ rào cản của nền kinh tế; tập trung vào một số động lực tăng trưởng như đầu tư công, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Nhóm vấn đề thứ hai là tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường năng lực nội sinh cũng như khơi thông nguồn lực về tài chính, tăng năng suất lao động, khoa học công nghệ cho đến các nguồn lực khác của nền kinh tế để phát triển kinh tế.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực nội sinh cũng như khơi thông nguồn lực của nền kinh tế
Tôi cho rằng, để tăng năng suất lao động cần nhiều chính sách, trong đó thúc đẩy chuyển dịch lao động phù hợp với cơ cấu các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cụ thể giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; song song với quá trình đó tăng cường tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Cùng với đó, điều căn cốt nhất là cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành, các lĩnh vực, tập trung vào chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất lao động. Đồng thời, quan tâm đến nhân lực chất lượng cao và quản trị về tăng năng suất lao động.
Phóng viên: Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022, Diễn đàn năm nay có điểm nổi bật như thế nào về công tác tổ chức, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Điểm nổi bật trong công tác tổ chức của Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, thứ nhất đó là quy tụ được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạch định chính sách ở cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như địa phương. Thứ hai, Diễn đàn cũng xác định các chủ đề, nội dung trọng tâm của các phiên chuyên đề và phiên toàn thể vừa giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt cho năm 2023 để đạt được các mục tiêu; đồng thời thảo luận những vấn đề có tính căn cơ, nền tảng của nền kinh tế, chúng ta không hy sinh các mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải tạo dựng nền tảng cho phát triển dài hạn, những vấn đề về năng suất, chuyển đổi xanh, vấn đề liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Thứ ba, Diễn đàn có sự mở rộng thông qua hình thức trực tuyến đến các điểm kết nối, đặc biệt là các trường Đại học, tạo sự đồng thuận, khí thế mới trong toàn xã hội, từ doanh nghiệp, người dân đến các chủ thể khác cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả của Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 giúp Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đang triển khai sơ kết nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có 3 nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, tiến hành báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghệ lần thứ 4; nghị Quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; cũng như đánh giá việc triển khai các Nghị quyết về quy hoạch phát triển đô thị bền vững và nhiều Nghị quyết quan trọng khác.
Vì vậy, Diễn đàn là kênh cung cấp thông tin, luận cứ quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ việc sơ kết, đánh giá tình hình triển khai các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó hoàn thiện các Báo cáo, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!