ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN, RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN

18/09/2023

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 18/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần đánh giá khách quan, toàn diện, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai, làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây.

XEM XÉT VIỆC THỰC HIỆN 21 LĨNH VỰC ĐƯỢC NÊU TẠI 06 NGHỊ QUYẾT VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VÀ 04 NGHỊ QUYẾT VỀ CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tham dự phiên họp về phía Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo;...; đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;...

Xem xét việc thực hiện 21 lĩnh vực tại 06 Nghị quyết giám sát chuyên đề, 04 Nghị quyết chất vấn

Phát biểu điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBTVQH15 ngày 23/3/2023 triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 01 nghị quyết về chất vấn  trong nhiệm kỳ khóa XIV và 02 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 03 nghị quyết về chất vấn  trong nhiệm kỳ khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp về nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Lĩnh vực tài chính; Lĩnh vực ngân hàng; Lĩnh vực công thương; Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Lĩnh vực giao thông vận tải; Lĩnh vực xây dựng; Lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Lĩnh vực thông tin và truyền thông; Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Lĩnh vực khoa học và công nghệ; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Lĩnh vực y tế; Lĩnh vực nội vụ; Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;...

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày Báo cáo

Đánh giá khách quan, toàn diện quá trình tổ chức triển khai

Cho ý kiến tại Phiên họp, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,… trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn thời gian qua. Đồng thời, cơ bản tán thành những nội dung trọng tâm được nhận định, đánh giá tại báo cáo Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Tổng Thư ký Quốc hội.

Liên quan đến lĩnh vực tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tòa án đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, hướng dẫn và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; Công tác tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được tăng cường; Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có chuyển biến tích cực, tiến độ và chất lượng giải quyết được nâng cao...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, tỷ lệ bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án vẫn còn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao;…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đối với lĩnh vực kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em được nâng cao. Tỷ lệ vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn và tỷ lệ bị can do Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đều vượt so với chỉ tiêu. Số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm được chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; .. Tuy nhiên, vẫn còn 1.321 vụ/908 bị can về xâm hại trẻ em chưa được giải quyết; vẫn còn xảy ra một số trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKSND; chất lượng truy tố một số trường hợp chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo, điều tra, khám phá các tội phạm chưa tương xứng với tình hình. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp.

Góp ý vào lĩnh vực du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, nhưng qua giám sát, một số chính sách nhưng thực hiện được trê thực tế. Mặc dù, phục hồi về du lịch nhìn chung là tốt, nhưng một số địa bàn phục hồi không được như kỳ vọng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chưa thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Đề án; làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; đồng thời nêu cụ thể giải pháp, kiến nghị và cam kết thực hiện trong thời gian tới.

Liên quan giáo dục nghề nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh nêu thực tế, vừa qua có việc một số trường cao đẳng ngoài công lập có vấn đề liên quan quản lý, chất lượng đào tạo. Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi, quản lý chặt chẽ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tiến hành thanh tra, ban hành kết luận thanh tra nghiêm khắc nhưng dường việc xử lý chưa được xử lý quyết liệt. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải quan tâm quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Tham gia góp ý liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và một số nội dung khác; Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương, địa phương và số lượng cấp phó; Thực hiện phân cấp, phân quyền; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; Quản lý biên chế, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, điều kiện thi tuyển lãnh đạo; Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, trong lĩnh vực tư pháp, Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về: tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội;  tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; …

Tại Phiên họp, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phát biểu làm rõ các nội dung có liên quan nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc  thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 01 nghị quyết về chất vấn  trong nhiệm kỳ khóa XIV và 02 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 03 nghị quyết về chất vấn  trong nhiệm kỳ khóa XV.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các lĩnh vực được nêu trong nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn  của Quốc hội thời gian vừa qua. “Nhận xét chung các vấn đề này có ba chữ “chậm”, “nợ”, “sót”, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý khắc phục những nội dung còn tồn tại,…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết.

Ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành; tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh công tác lập và xây dựng quy hoạch;…

Cần sớm xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc giám sát lại

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các bộ ngành trong việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Qua các báo cáo có thể thấy, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ các bộ, ngành cơ bản triển khai thực hiện tạo chuyển biến tích cực trong những lĩnh vực nhất là các vấn đề Quốc hội, cử tri quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội đung thảo luận

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nội dung các báo cáo đã bám sát mục đích yêu cầu, cách thức thực hiện tại Kế hoạch số 435/KH-UBTVQH15 ngày 23/3/2023 triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Bên cạnh đó, các báo cáo đã đánh giá tình hình thực hiện, có số liệu minh chứng kết quả đạt được, chỉ tiêu, nội dung chưa đạt đối với mục đích, yêu cầu của Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội cũng cơ bản bám sát yêu cầu làm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác chỉ đạo của Chính phủ, qua báo cáo, các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số lĩnh vực chưa triển khai đầy đủ theo yêu cầu của Quốc hội, có lĩnh vực chậm thời gian, tiến độ, kết quả chuyển biến trên thực tế còn chậm; Nhiều nội dung báo cáo mới chỉ dừng ở việc đánh giá chung chung mà chưa chỉ rõ nội dung nào chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chưa đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan;...

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra chủ yếu mới dựa trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, đánh giá việc triển khai chưa toàn diện, đầy đủ do các cơ quan gửi báo cáo còn chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ ngành có liên quan,… khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, rà soát, bổ sung hoàn thiện báo cáo trước ngày 26/9/2023; các Báo cáo thẩm tra, báo cáo tổng hợp cần đánh giá khách quan, toàn diện làm rõ kết quả đạt được, mặt tồn tại, hạn chế; rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc  hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc giám sát lại. Trong đó, lưu ý, nêu rõ yêu cầu thời gian đối với từng nội dung cụ thể, xác định rõ những Nghị quyết, nội dung đã hoàn thành;….

Trước đó, mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13/9/2023 vừa qua, vụ cháy chung cư mini ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội đã làm 56 nạn nhân thiệt mạng và tại Lào Cai, do lũ cuốn, sạt lở đất đã làm 06 người thiệt mạng. Để tưởng nhớ các nạn nhân, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm trước khi bắt đầu phiên họp.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp tưởng niệm các nạn nhân đã mất tại vụ cháy chung cư mini ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội và lũ cuốn, sạt lở tại Lào Cai

Quang cảnh Phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày Báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Đại diện các bộ, ngành tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4./.

Lê Anh - Phạm Thắng