KỲ VỌNG ĐẨY NHANH CHÍNH SÁCH CỦNG CỐ NĂNG LỰC NỘI SINH CỦA DOANH NGHIỆP ĐỂ THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH, BỀN VỮNG

18/09/2023

Ngày mai 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Trước thềm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các doanh nghiệp và các chuyên gia bày tỏ nhiều kỳ vọng Diễn đàn sẽ tìm kiếm được các giải pháp, củng cố nội lực của doanh nghiệp; thúc đẩy thực hiện thành công tăng trưởng xanh cũng như khơi thông nhiều điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy thực hiện thành công tăng trưởng xanh

DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI 2023: KIẾN TẠO CHÍNH SÁCH NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NỘI SINH CHO DOANH NGHIỆP VÀ NỀN KINH TẾ

Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự mong đợi rất lớn trước sự kiện Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 của Quốc hội.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đây cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, bảo hiểm xã hội chịu nhiều áp lực…

TS.Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp

TS.Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp kỳ vọng diễn đàn lần này là bước chuẩn bị quan trọng để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, ứng phó với biến động của thị trường, phát triển thị trường nội địa và đặc biệt là các chính sách giúp củng cố nội lực của doanh nghiệp. Được các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, chia sẻ thì sức đề kháng của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và nội lực quốc gia cũng sẽ vững mạnh hơn. 

TS.Mạc Quốc Anh đánh gía cao các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành hết sức kịp thời; Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai điều hành bằng các chính sách kinh tế vĩ mô như giảm thuế, giảm phí, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… - đây là những động thái hết sức kịp thời thời, cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 68/2022/QH15. Nhờ đó, kinh tế nước ta có những bước phục hồi và tăng trưởng dương trong khi đó các nước khác trên thế giới tăng trưởng âm; vượt qua được lạm phát, kiềm chế được giá cả hàng hóa. Đối với chuỗi cung ứng tuy bị đứt gãy nhưng cũng đã có nhiều giải pháp để thích ứng. Sau dịch Covid-19 đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất thương mại dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, tài chính… cho các doanh nghiệp Việt Nam.

TS.Mạc Quốc Anh cho rằng, các Nghị quyết này đã đi được vào đời sống nhưng đã phát huy tối đa hiệu quả hay chưa, còn vướng mắc nào cần tháo gỡ thì cần có khâu giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Việc thảo luận về nội dung này tại Diễn đàn cũng là hình thức giám sát để các quyết sách của Quốc hội được thực thi tốt hơn nữa.

Theo TS.Mạc Quốc Anh, thời gian qua, việc thực thi chính sách đã có hiệu quả nhưng chưa được như kỳ vọng, nhất là những mục tiêu Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 đã đề ra, nhưng cũng có nhiêu rào cản.  Đầu tiên là khâu thực thi chưa như kỳ vọng, Cùng với đó là rào cản do thị trường, sức mua, sức cầu yếu dẫn đến hàng tồn kho nhiều, sản xuất bị đình trệ. Về tài chính, đầu tư nước ngoài mới tuy nhiều nhưng thực tế chỉ một số dự án đi vào thực hiện còn lại chủ yếu là các cam kết. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng còn rất hạn chế.

Từ thực tế đó, TS.Mạc Quốc Anh mong muốn Diễn đàn sẽ đưa ra thông điệp và sau đó sẽ lan tỏa đến các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền để có tư duy đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt. Đặc biệt, từ ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, người dân. Diễn đàn sẽ tìm được các giải pháp giúp tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Còn đối với PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bày tỏ kỳ vọng về sau diễn đàn lần này sẽ khơi thông thể chế, đẩy nhanh lộ trình tăng trưởng xanh nền kinh tế.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, tăng trưởn xanh hiện có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế, bởi cốt lõi nhất của tăng trưởng xanh là đảm bảo tăng trưởng ổn định, dựa trên nền tảng của Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị và giải quyết được các vấn đề của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển ngắn nhất vì không phải trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng. Tăng trưởng xanh hiện là con đường ngắn nhất đi thẳng đến mục tiêu kép vừa đảm bảo tăng trưởng và vừa đạt được các mục tiêu về phúc lợi, phát triển nền kinh tế, nhưng không tạo ra hệ luỵ về môi trường. Đồng thời giải quyết được các bài toán về xã hội, tạo việc làm mới, tạo sự công bằng, thoát nghèo và làm giàu.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam có thể thực hiện thành công tăng trưởng xanh trong khuôn khổ của một quốc gia, một nền kinh tế, khả thi kể cả ở tầm doanh nghiệp nếu có  nhận thức tốt, tận dụng được cơ hội của các quỹ chuyển đổi công bằng năng lượng và nhiều quỹ khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang thiếu vốn và công nghệ, có thể bắt nhịp với quá trình chuyển đổi xanh

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nêu thực tế, hiện nay đề án phát triển kinh tế tuần hoàn đã đề xuất phương án là hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi chuyển giao công nghệ là 50%. Đấy là một trong ví dụ cho thấy trong quá trình thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp cần có sự vào cuộc của nhà quản lý. Điều đó cần có sự đồng hành sự hỗ trợ của nhà nước, các viện trường, các nhà khoa học rồi bản thân doanh nghiệp nỗ lực thì hoàn toàn có thể bắt nhịp được với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.  

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ tin tưởng, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” sẽ bàn thảo những vấn đề cốt lõi để đẩy nhanh được chuyển đổi nền kinh tế xanh, bởi trước đây khoảng 10 năm sẽ là khó đối với Việt Nam, nhưng hiện nay Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nếu có sự chính sách đúng và phù hợp./.

Hải Yến