VIỆT NAM CẦN ĐỘNG LỰC MỚI VỀ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

19/09/2023

Thảo luận tại diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất gắn với phát triển kinh tế bền vững và thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 19/9: PHIÊN TOÀN THỂ - ''NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, ĐẢM BẢO AN SINH TRONG BỐI CẢNH MỚI'' VÀ BẾ MẠC DIỄN ĐÀN

Các chuyên gia đã chỉ ra những điểm nghẽn khiến năng suất Việt Nam chưa thể bật tăng, ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên, so với các nước ASEAN hiện nay thì vẫn còn khoảng cách về năng suất, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia…

Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Theo ông Felix Weidencaff, thách thức liên quan đến năng suất của Việt Nam khá đa dạng theo từng phân khúc doanh nghiệp: Năng suất của khu vực nhà nước và FDI cao hơn so với khu vực tư nhân trong nước và hộ kinh doanh. Trong bối cảnh, Việt Nam chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, Việt Nam cần tạo ra các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, là động lực để tăng năng suất, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững.

Theo ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm của ILO, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra… Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, cùng với đó cần thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo lập hệ sinh thái về thị trường lao động, điều này đòi hỏi sự can thiệp từ cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, cho rằng thực tế Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Theo TS.Nguyễn Thị Hoa, thời gian qua dù cũng có nhiều chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, nhưng thực tế quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Từ thực tế, TS.Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, đề nghị nên tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam 

Cũng nhận diện về những thách thức trong tăng năng suất lao động của Việt Nam, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian, nhưng vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia. 

Chuyên gia UNDP đánh giá, hiện Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân cũng chưa được khuyến khích phát triển, động lực cho tăng trưởng chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển. 

Góp ý thêm về vấn đề này, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng cần tập trung công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Bởi hiện nay chưa có đủ không gian cho giáo dục cao học, nhất là trong các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp tập trung đầu tư tại Việt Nam chú trọng đến các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo, thì Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội đó. Với lợi thế có nhiều du học sinh học tập ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích nguồn nhân lực này trở về các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam để có đóng góp hiệu quả. hơn, tạo ra cú hích lớn về khoa học và công nghệ, nâng cấp năng lực quản trị Quốc gia, tăng năng suất lao động từ động lực của khoa học công nghệ.

 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Cũng theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, vấn đề nâng cao năng suất lao động trong ngắn hạn và dài hạn đều phải được tính toán để có cải thiện hiệu quả, trong đó, cần thực hiện tốt hơn các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh quan điểm: “Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ". Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

Hải Yến